Thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, nhiều đại biểu đã đề xuất cần khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai, để sớm tháo gỡ nhiều ‘tắc nghẽn’ cho các hoạt động kinh tế xã hội liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị bổ sung luật này vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá để làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013, không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập đang phát sinh và để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
“Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua và hiện nay nội dung liên quan đến vấn đề đất đai chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu Quốc hội, Chính phủ chậm xem xét, sửa đổi, bổ sung thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong thời gian sắp tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nghị quyết Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai theo đề nghị của Chính phủ.
Theo đại biểu, cần làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ nguyên nhân chậm của việc ban hành dự án luật này và xem xét về năng lực, kỹ năng mà các cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri được rõ và cũng để giúp cho các Bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng phải đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án Luật Đất đai. Bởi dự án luật này đã đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó vì lý do chuẩn bị xin rút ra và chuyển qua kỳ họp thứ 9 và đến giờ phút này lại rút ra thì không biết chuyển vào kỳ họp nào?
“Thực tế, vấn đề bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai. Theo thống kê của ngành thanh tra thì có khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai. Ở đây, ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước thì vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này. Như vậy, sửa Luật Đất đai có thiết thực, có cần thiết, có cấp bách hay không?
Tôi đề nghị Quốc hội từ những vấn đề trên, xem xét đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2021”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) lại nhấn mạnh, việc thực thi Luật Đất đai còn phải gắn và đồng bộ với một số luật khác, như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
“Tại sao người dân và các tổ chức, những người sử dụng đất người ta sẵn sàng ủng hộ những quy hoạch của chính quyền, ủng hộ quyết định thu hồi đất nhưng đến khi thu hồi đất thì xảy ra chuyện tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, bức xúc.
Chúng ta phải thấy đây là độ vênh giữa các luật với nhau, cũng như những quy định của pháp luật so với yêu cầu của thực tiễn, giữa công tác quản lý Nhà nước với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của tổ chức sử dụng đất đai, cũng như trong công tác xây dựng, quy hoạch”, đại biểu dẫn chứng.
Theo đại biểu, quy hoạch cây xanh cần thiết cho xã hội, nhưng quy hoạch ngay cụm dân cư lâu đời, cứ để như vậy hàng chục năm không triển khai thực hiện được, những lợi ích của người dân ở trong đó vô cùng khó khăn, bức bối. Người ta nói rằng khi có quy hoạch đó giống như là một án treo đối với người dân.
“Vậy, luật nào sẽ giải quyết những bất cập này phải đồng bộ giữa 3 luật này. Còn nhiều luật khác nữa, nhưng theo tôi nghĩ Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch phải đồng bộ với nhau. Theo đại biểu, phải định hình xem khi nào Quốc hội sẽ sửa Luật Đất đai, không thể nói vào thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp là khi nào?”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
“Hệ thống pháp luật đất đai của chúng ta còn nhiều điểm bất hợp lý và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói và cho rằng, đây là một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực phát triển.
Vì vậy, đại biểu đề nghị việc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. “Đây là luật nền tảng, một luật rất quan trọng cho nên tôi đề nghị đẩy nhanh chứ không lùi lại trong chương trình xây dựng luật này.
Mặc dù là rất nhạy cảm, rất khó khăn nhưng chúng ta cũng phải đối đầu với thực tiễn và phải giải quyết yêu cầu của thực tiễn, phải đặt trọng tâm và phải làm với tinh thần quyết liệt nhất dự luật này”, ông Lộc nhấn mạnh.