Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), dự án luật này đã đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó cũng vì lý do chuẩn bị đã xin rút ra và chuyển sang kỳ họp 9. Đến nay tiếp tục xin rút ra và chưa biết lùi đến bao giờ.
Sáng 22-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng báo cáo thẩm tra chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Vấn đề này đã được nhắc đến rất nhiều lần ở những năm trước và tiếp tục lặp lại ở kỳ họp này.
ĐB Kim Bé cũng nhắc tới việc đưa ra khỏi chương trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do sự chuẩn bị chưa kịp thời các điều kiện để trình.
“Đề nghị cần đánh giá trách nhiệm của các cơ quan liên quan trình dự án Luật này trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình. Dự án luật này đã đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó cũng vì lý do chuẩn bị đã xin rút ra và chuyển sang kỳ họp 9. Đến nay tiếp tục xin rút ra và chưa biết lùi đến bao giờ” – bà Kim Bé nói.
ĐB Kiên Giang cũng cho rằng vấn đề quản lý đất đai thời gian qua có quá nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề về pháp luật đất đai mà cụ thể là Luật Đất đai còn quy định chung chung, chưa rõ ràng.
Một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số nội dung còn quy định chồng chéo, có vấn đề phải dẫn chiếu quá nhiều quy định của các luật khác… từ đó dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng.
Theo bà Kim Bé, vấn đề về quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân. Thực tế, những bức xúc của người dân dẫn đến khiếu kiện xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai.
Dẫn số liệu thống kê của cơ quan chức năng có gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai, bà cho rằng ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước thì có vấn đề pháp luật chưa rõ ràng…
“Đoàn ĐBQH Kiên Giang đã ghi nhận ý kiến cử tri đặt ra vấn đề tại sao không sửa đổi luật đất đai kịp thời. Cử tri và chính quyền địa phương mong mỏi có một đạo luật phù hợp, thực sự rõ ràng để chính quyền địa phương quản lý đất đai chặt chẽ hơn, người dân chấp hành pháp luật về đất đai tốt hơn để hạn chế khiếu kiện về đất đai” – ĐB Kiên Giang cho hay.
Cuối cùng, bà Kim Bé đề nghị đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và đề nghị Chính phủ có động thái tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với việc chuẩn bị trình dự án luật.