Không chỉ mua đất nông nghiệp vẽ dự án “ma”, Alibaba còn đưa ra nhiều chiêu thức để “ẵm” hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng. Sự lớn nhanh bất thường của Alibaba khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi và vào cuộc điều tra.
Theo cơ quan điều tra “đúc kết”, với các thủ thuật trên, Nguyễn Thái Luyện đã vạch ra và chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các khách hàng tin tưởng mà nộp tiền cho Luyện thông qua các pháp nhân.
Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật theo chỉ đạo của Luyện.
Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên, với tư cách là chủ đầu tư các dự án tự vẽ, không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.
Bước 4: Nguyễn Thái Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Alibaba để Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Đồng thời, tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng.
Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Theo cơ quan chức năng, Nguyễn Thái Luyện còn đánh vào lòng tham con người với các thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hơn nữa, để tăng thêm sự tin tưởng về quy mô Alibaba và thu hút khách hàng nộp tiền, Nguyễn Thái Luyện tổ chức ký hợp đồng với Công ty cổ phần Mắt Bão để lập tên miền www.Tapdoandiaocalibaba.com, thuê dịch vụ máy chủ, theo đó, đăng tin quảng cáo gian dối về các dự án bất động sản không có thật.
Luyện còn chỉ đạo lập các tài khoản gồm: tài khoản trên trang web www.youtube.com có tên là “Thời sự Ali24h”; fanpage có tên là “Địa ốc Alibaba” trên mạng xã hội Facebook; các website www.diaocalibaba.com và www.diaocalibaba.vn… cũng với mục đích quảng cáo gian dối về các dự án không có thật, tuyên truyền về tính quy mô trong hoạt động, kinh doanh của Alibaba, để khách hàng tin tưởng đầu tư.
Theo cáo trạng, các cổ đông của Alibaba gồm: Nguyễn Thái Lĩnh giữ 49,5% cổ phần; Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) giữ 49,5%; Nguyễn Thái Luyện (anh trai của Lĩnh) chỉ giữ 1% nhưng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc điều hành tất cả các hoạt động của Công ty. Luyện còn lập ra 22 công ty trực thuộc, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải để cùng góp vốn vào Alibaba và cùng “bẫy” nhà đầu tư như: Alibaba Law Firm, Công ty Vận tải Alibaba, Công ty Tia Chớp…
Trong đó, Luyện đứng tên Chủ tịch HĐQT Alibaba và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Ali; Võ Thị Thanh Mai đứng tên Tổng giám đốc Alibaba Law Firm và Công ty TNHH Xây dựng Maluna; Nguyễn Thái Lực đứng tên Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại địa ốc Xanh, Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành Ali. Các công ty còn lại do các cá nhân khác trong hệ thống Alibaba đứng tên giám đốc, đại diện pháp luật.
Sau đó, Luyện mua đất nông nghiệp, nhưng chỉ đạo cá nhân giám đốc các công ty con đứng quyền nhận chuyển nhượng, ủy quyền cho công ty, rồi chỉ đạo nhân viên vẽ dự án “ma”.
Điển hình, sau khi thành lập Công ty Tia Chớp và Chi nhánh Công ty Tia Chớp (năm 2018), Luyện mua đất nông nghiệp của các hộ dân ở huyện Long Thành (Đồng Nai), nhưng cho Trương Thị Hồng Ngọc, Bùi Minh Đức và Nguyễn Thái Lĩnh đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau đó, Luyện tiếp tục chỉ đạo 3 cá nhân trên ủy quyền cho Công ty Tia Chớp làm chủ đầu tư lập 4 dự án gồm: Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Phước Bình Central Park 2, Alibaba Phước Thái Capital và Alibaba Long Phước Industry. Hoàn tất khâu này, Luyện mới chỉ đạo nhân viên cấp dưới tự vẽ dự án “ma” bằng cách phân lô tách thửa đất nông nghiệp và tung bán bằng hình thức hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cụ thể, nhân viên của Luyện đã vẽ Dự án Alibaba Phước Bình Central Park 2 (huyện Long Thành) bằng cách chia 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 55.000 m2 trên thành 334 nền/lô đất (mỗi nền khoảng 100 m2) và lừa bán cho nhiều khách thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, Dự án Alibaba Phước Thái Capital cũng được “vẽ” trên 2 thửa đất thành 46 nền (mỗi nền khoảng 100 m2). Còn Dự án Alibaba Long Phước Industry được “tự vẽ’ trên 4 thửa đất bằng cách chia thành 316 nền/lô đất (mỗi nền 100 m2).
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty cổ phần Địa ốc Đầu tư và Phát triển Spartaland “vẽ” ra 2 dự án Alibaba Phú Mỹ Central City và Alibaba Phú Mỹ Central City 2 cũng bằng cách phân lô nền trên đất nông nghiệp và tung bán.
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển TLLand “vẽ’ ra 2 dự án ma là Ali Venice City tại Bình Thuận và Alibaba Phú Mỹ Center City tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép vẽ ra các dự án Alibaba Center Town (Đồng Nai), Alibaba Tân Thành Center City Alibaba, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City; Tóc Tiên Residence 3 (tại Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Ngoài 22 công ty trực thuộc đã được thành lập để phục vụ việc “bẫy” khách hàng, Nguyễn Thái Luyện còn chỉ đạo thành lập 10 pháp nhân khác, nhưng các công ty này chưa hoạt động gì thì bị cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố vụ án.
Tổng Hợp