Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng như một phương án giải ngân an toàn, sau thời gian chứng kiến nhịp tăng giá mạnh của các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường hiện nay, có 5 cổ phiếu ngân hàng là VCB, BID, CTG, VPB và TCB. Ngành ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa VN-Inex và gần 50% vốn hóa VN30, nên diễn biến tăng giá có tác động kéo chỉ số rất rõ ràng, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.080 điểm, đồng thời vượt lên trên đường trung bình động 200 ngày (MA 200).
Hiện tại, đà tăng của nhóm ngân hàng đã chững lại và có sự phân hóa. Cho đến cuối tuần trước, đồ thị chỉ số RSI khung ngày của nhiều cổ phiếu ngân hàng đều cho thấy đã chạm vùng quá mua hoặc thấy rõ tạo đỉnh. Với thị trường chung, VN-Index đã vượt qua MA 200, báo hiệu chỉ số bước vào xu hướng tăng dài hạn, nhưng để khẳng định xu hướng này cần có thêm nhiều yếu tố. Trước mắt, chỉ số được nhận định sẽ tiếp tục đi ngang, nhưng với biên độ rộng hơn, trong vùng 1.080 – 1.130 điểm.
Khi nền kinh tế khởi sắc, ngân hàng sẽ là nhóm được hưởng lợi lớn. Ở khía cạnh tích cực, động thái giảm lãi suất của cơ quan quản lý cùng với quy định mới về trích lập dự phòng nợ xấu sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng, nhất là các ngân hàng có tỷ trọng nợ liên quan đến bất động sản và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao.
Ông Cao Việt Hùng, Trưởng bộ phận Phân tích ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận xét, ngành ngân hàng đang được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ bước vào chu kỳ nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành tổng cộng 1%/năm kể từ giữa tháng 3/2023 sẽ kích thích nhu cầu tín dụng phục hồi, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm, vốn là thời điểm các ngân hàng giải ngân tín dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu vay vốn của cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của nền kinh tế dự kiến sẽ sớm phục hồi.
Áp lực chốt lời cổ phiếu ngân hàng dần xuất hiện và theo các chuyên gia, xu hướng tiếp theo phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, triển vọng kết quả kinh doanh hàng quý.
Hiện tại, đà tăng của nhóm ngân hàng đã chững lại và có sự phân hóa.
ACBS dự báo, kết quả kinh doanh quý II/2023 của ngành ngân hàng ít có khả năng tăng mạnh, nhưng sẽ có sự phân hóa rõ nét. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và khả năng quản trị rủi ro tốt sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hơn.
Trong báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 6/2023, SSI Research có quan điểm trung lập đối với cổ phiếu ngành ngân hàng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức. Trong lúc nhà đầu tư hưng phấn và mua với tâm lý sợ mất cơ hội, thì báo cáo của các công ty chứng khoán lớn có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó là những cổ phiếu có câu chuyện riêng như STB dự kiến hoàn thành đề án tái cơ cấu trong năm 2023, hay VIB có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ tái ký hợp đồng hợp tác bảo hiểm. Ngoài ra, những cổ phiếu có độ an toàn cao như ACB, VCB vẫn là sự lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư ưa thích sự ổn định và rủi ro thấp.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho biết, mỗi thời điểm sẽ có một câu chuyện riêng của từng ngân hàng nên trong bối cảnh nền sóng chung không quá khỏe, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu tùy thuộc vào thông tin ở từng thời điểm.
Theo ông Huy, trong ngắn hạn, diễn biến giá cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu hay sức khỏe của dòng tiền, nhưng về mặt dài hạn sẽ là yếu tố cơ bản, triển vọng và định giá. Nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn và mức định giá tuy hấp dẫn trong dài hạn nhưng không quá rẻ để mạnh tay mua vào. Nhà đầu tư nên giữ sự cẩn trọng nhất định, không nên có tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) ở cổ phiếu ngân hàng cũng như toàn thị trường, bởi đầu tư thời suy thoái chưa bao giờ là dễ dàng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)