Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cảnh báo, “siết” việc mua trái phiếu doanh nghiệp những thông tư quay định như “Lằn ranh đỏ” phiên bản Việt tạo van nắn dòng vốn tín dụng. Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo,…
Thông tư 16 được ban hành khi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 18,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3% – theo thống kê của FiinGroup.
Đáng nói, theo các chuyên gia của SSI – phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng nên không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này. “Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 – 2024. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối”, các chuyên gia SSI nhận định.
Theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Thêm quy định nữa, đó là trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã mua. TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp:
Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Thông thường đến thời điểm cuối năm, những ngân hàng “chạm” trần tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước có thể “lách” bằng cách bán đi trái phiếu của doanh nghiệp A chẳng hạn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng xuống. Nếu không có quy định TCTD không được mua lại trái phiếu vừa bán, sau khi đã làm đẹp được con số tăng trưởng tín dụng bằng cách trên, ngay ngày đầu tiên của năm sau, ngân hàng đã có thể mua lại lượng trái phiếu này.
Mua trái phiếu phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác hay nói cách khác mua lại doanh nghiệp sở hữu dự án, là nghiệp vụ Evergrande dùng rất nhiều để thâu tóm dự án. Quy định tại Thông tư 16 sẽ ngăn ngừa các giao dịch tương tự ở Việt Nam. Về quy định không được mua trái phiếu phát hành để trả nợ cũ, thực tế rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn (5-10 năm) nhưng trái chủ được quyền bán lại cho doanh nghiệp phát hành sau 1 năm, thực chất là trái phiếu ngắn hạn. Vì thế một lượng lớn trái phiếu phát hành mới là để mua lại (đảo nợ) trái phiếu cũ.
Với Thông tư 16, các doanh nghiệp Bất động sản buộc phải đảm bảo được thanh khoản, và phát triển thực chất. Giá bất động sản có thể không bị đẩy lên rất cao trong thời gian tới. Tác động đối với các ngân hàng, quy định TCTD không được mua lại trái phiếu vừa bán, chỉ được mua lại sau 12 tháng nhằm ngăn nghiệp vụ Repo trái phiếu, làm đẹp các con số.
BĐS là ngành phát hành trái phiếu huy động lượng vốn lớn nhất trong số các ngành có doanh nghiệp phát hành trái phiếu DN. Các DN BĐS phát hành trái phiếu thu về lượng vốn nhiều nhất là Công ty CP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng)… Hiện, lãi suất trái phiếu DN BĐS ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7,4% – 13%/năm.
Liên tiếp từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021, Bộ Tài chính phát đi nhiều cảnh báo về rủi ro trái phiếu BĐS. Mới đây, trong tháng 10, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu.
Không chỉ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng nhiều lần cảnh báo về trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS trong các báo cáo quý về thị trường BĐS. Cuối năm, các doanh nghiệp (DN) địa ốc đua nhau phát hành trái phiếu huy động vốn cho các dự án cũng như quay vòng tiền trả nợ. Các chuyên gia cho rằng, trái phiếu bất động sản (BĐS) thuộc diện cảnh báo rủi ro vì đang trả lãi suất cao và nhiều DN năng lực tài chính trong diện cảnh báo.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)