Các chuyên gia cho rằng, đa phần các cơn sốt đất ảo đều được thực hiện bởi các nhóm môi giới bất động sản cá nhân, mang tính tự phát, có dấu hiệu bắt tay nhau “thổi giá”, gây lũng đoạn thị trường.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh, nhưng những quy định về hoạt động môi giới còn chưa chặt chẽ. Do đó, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng bổ sung quy định cần thiết để thị trường phát triển lành mạnh, tránh những hệ lụy cho người dân và công tác quản lý Nhà nước.
Đề xuất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức hoạt động và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.
Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có nội dung cấm môi giới cá nhân hoạt động độc lập. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và xem là một cách thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Những tháng đầu năm 2021, nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng “sốt đất” khó tin. Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng, cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nghề “cò đất” cũng trở nên hấp dẫn hơn, bởi BĐS thường có giá trị lớn, giới “cò đất” được hưởng hoa hồng cả của người bán lẫn khách mua. Cá biệt, nhiều “cò đất” chỉ cần ăn chênh một giá của giao dịch đã có vài chục triệu đồng trong tay.
Tại nhiều dự án, dù mới chính thức mở bán vài ngày nhưng trong bảng hàng của chủ đầu tư, số lượng căn đã “có chủ” dày đặc, đa số là các căn đẹp tại dự án. Cá biệt có những dự án, vừa mở bán đã có đến 80% số căn có chủ. Thực tế, số lượng căn đã bán chỉ có người trong cuộc mới rõ, còn khách hàng sẽ bị tâm lý “khan hàng” mà nhanh chóng lựa chọn và xuống tiền 1 căn hộ khá khẩm nhất trong bảng hàng còn lại tại dự án. Việc tạo ra độ “hot” ảo cho dự án khiến khách hàng có cảm giác “không mua ngay sẽ bị lỡ” rồi tăng giá chênh lệch nhiều so với với mức giá khởi điểm được quảng cáo để kiếm lời là một chiêu thổi giá phổ biến, không hề mới những vẫn lừa được rất nhiều khách hàng “yếu tim” và không nắm nhiều kiến thức về thị trường.
Và trong nhiều cơn “cơn sốt” đã qua, không thể không nhắc tới bàn tay của các môi giới BĐS không chuyên, hay còn được gọi là “cò đất”. Họ có thể là người dân địa phương có “sốt đất”, làm nghề xe ôm, bán trà đá, quán ăn… cả những nhân viên kinh doanh đa cấp, bảo hiểm. Trước những thực trạng này, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Hầu hết các sàn BĐS chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới BĐS chứ chưa thực hiện hết chức năng của mình như: Báo cáo thông tin về tình hình hình giao dịch BĐS, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm BĐS trước khi đưa vào giao dịch… “Đội ngũ môi giới BĐS hoạt động thiếu chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế” – Bộ Xây dựng cho biết.
Trong các kịch bản “đánh sóng”, tạo “sốt ảo” này, nhiệm vụ quan trọng của nhân viên tư vấn là phải hù dọa nhà đầu tư, nếu không rót tiền ngay lập tức sẽ đánh mất cơ hội làm giàu cho người khác. Sau mỗi lần “hét” giá thành công, giá trị thật của bất động sản cộng thêm 2% – 5% sẽ được trả cho chủ đầu tư, số tiền chênh lệch còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ cho bên công ty môi giới và nhân viên tư vấn, tùy thuộc vào thỏa thuận của mỗi bên. Một “cò” đất sẽ nhận được tối đa 40% giá trị tổng lợi nhuận doanh thu mang về.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)