Chia sẻ tại diễn đàn M&A mới đây, chuyên gia Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, kỳ vọng thời gian tới hoạt động này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với các chính sách đồng bộ hơn, các cú hích M&A sẽ tạo lực đẩy cho doanh nghiệp tư nhân sớm tăng năng lực và quy mô trong nền kinh tế ngày càng mở cửa.
Có thể nói, M&A đang đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, không chỉ định hình lại năng lực tài chính của người bán, mà còn mở ra các cơ hội mới cho các bên tham gia. Nhiều thương vụ M&A lớn được xem là công cụ quan trọng để doanh nghiệp hoàn chỉnh những mảnh ghép còn thiếu. Đơn cử như trường hợp của Masan, đó là mục tiêu trở thành tập đoàn “tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline”.
Theo quan sát của JLL Việt Nam, hiện vẫn đang có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư Việt Nam có danh mục phát triển quy mô lớn và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tính quy mô của dòng tiền đầu tư, hiệu suất sinh lợi cao, và tiềm năng tăng trưởng của thị trường BĐS còn non trẻ và đang phát triển. Dù các giao dịch này vẫn đang trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý, đây vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực của thị trường BĐS Việt Nam, bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của thị trường và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.
Những thương vụ M&A lớn không chỉ đem lại giá trị về mặt tài chính có thể nhìn thấy ngay mà nó còn là những toan tính đường dài của các tập đoàn lớn, được xem như là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Mặc dù hoạt động M&A đang có phần suy giảm so với năm ngoái, theo thông kê tại diễn đàn M&A mới đây do Báo Đầu tư tổ chức, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 ước suy giảm 51% so với cùng kỳ, ước đạt 3,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, dòng vốn tỷ USD của hoạt động M&A BĐS vẫn âm thầm chảy vào những khu vực tiềm năng. Các thương vụ M&A vẫn diễn ra đều đặn bất chấp tình hình phức tạp của dịch Covid-19. Chẳng hạn, ở lĩnh vực bán lẻ nổi trội là thương vụ chuyển nhượng hệ thống bán lẻ Vincommerce giữa hai tập đoàn lớn Masan và Vingroup. Chưa hết, Masan còn thâu tóm cả bột giặt Net, mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H.C. Starck. Ở ngành hàng sản xuất, Vinamilk cũng mở rộng năng lực cạnh tranh qua việc mua lại Sữa Mộc Châu.
Thương vụ đáng chú ý nhất trên thị trường M&A BĐS gần đây, đó là tập đoàn Novaland đã rót gần 1 tỷ USD để sở hữu quỹ đất 286ha tại Đồng Nai và quỹ đất ở một số địa phương khác.
Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) đã nhận chuyển nhượng Dự án khu căn hộ Sông Đà Riverside, khi chi 626 tỷ đồng để mua 99,9% vốn cổ phần Công ty Bất động sản Hiệp Phúc, công ty con của Quốc Cường Gia Lai (mã QCG). Cùng tháng, Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) cũng công bố nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp tại Công ty cổ phần Bến Thành – Long Hải, đơn vị sở hữu Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (tên thương mại Tropicana Beach Resort & Spa) và Wyndham Tropicana Resort & Villa Long Hải. Thương vụ doanh nghiệp Việt “thâu tóm” dự án của công ty Nhật Bản thu hút sự chú ý của giới đầu tư là Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier.
Sự thay đổi trong các luật này sẽ là trợ lực với hoạt động M&A. Đó là Luật Doanh nghiệp sẽ nâng cao mức độ bảo vệ quyền cổ đông/nhóm cổ đông nhỏ mà theo ngôn ngữ M&A gọi là “bên mua”. Theo đó, quy định quyền cổ đông/nhóm cổ đông như đề cử vào hội đồng quản trị, triệu tập họp đại hội cổ đông, phải sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục trong 6 tháng như hiện nay sẽ được bãi bỏ.
Điều này gây cản trở cho hoạt động M&A, bởi nhà đầu tư sau khi mua cổ phần không thể tiếp nhận, tham gia quản trị công ty ngay và thực hiện các quyền của mình, mà phải đợi đến 6 tháng sau.