Cổ phiếu QCG nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) tiếp tục có những biến động khó lường, tăng dựng đứng, giảm sâu rồi lại tăng vọt. Những thông tin sốc từ doanh nghiệp khiến giới đầu tư khó nắm bắt.
Mở cửa phiên giao dịch 7/5, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi doanh nghiệp này báo lãi đột biến gần 6 lần nhờ chuyển nhượng vốn.
Diễn biến tăng mạnh rồi giảm sâu gắn với những thông tin bất ngờ là điều thường thấy tại doanh nghiệp của nhà đại gia phố núi nhưng rất nổi tiếng trong giới showbiz – Nguyễn Quốc Cường.
Mới chỉ gần đây, hồi cuối tháng 2 tới giữa tháng 3/2020, cổ phiếu QCG có ngược dòng TTCK với 15 phiên tăng trần liên tiếp với mức quanh ngưỡng 7%/ngày, kéo giá cổ phiếu này từ mức dưới 4.000 đồng lên trên 10.000 đồng/cp.
Trước đó, hồi đầu năm 2017, cổ phiếu này cũng đã tăng 6-7 lần trong khoảng 1 tháng (từ mức 4.000 đồng lên đỉnh cao gần 29.000 đồng/cp) rồi quay đầu lao dốc trong nhiều tháng sau đó, về trở lại vị trí xuất phát.
Những tín hiệu bứt phá đầu tháng 5 lần này cũng đến từ một thông tin gây sốc: lợi nhuận tăng sốc.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm trước lên 30 tỷ đồng.
Trong “con sóng” tăng giá hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020, thông tin tích cực là “kỳ vọng” của giới đầu tư về QCG sẽ giống Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn sẽ được chính quyền TP.HCM tháo gỡ những khó khăn ở một số dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi QCG, trong khi bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn gặp khó với các dự án treo.
Còn trong lần tăng giá hồi đầu 2017, Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường có thông tin về việc ký hợp đồng với một đối tác nhận đặt cọc 50 triệu USD cho việc chuyển nhượng dự án đình trệ 10 năm Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny.
Những cú tăng giảm mạnh bất thường của QCG có thể mang đến lợi ích lớn cho một số người nhưng cũng có thể gây ra thiệt hại lớn cho người khác bởi giao dịch hàng ngày không hề nhỏ, từ vài trăm ngàn tới cả triệu đơn vị mỗi phiên.Có thể thấy rõ là những đợt biến động mạnh giá cổ phiếu thường gắn với những thông tin gây sốc do doanh nghiệp công bố.
Liên tục những vụ mua bán chuyển nhượng, những lần công bố thông tin sai lệch, chậm hoãn,… khiến nhiều NĐT không biết điều gì đang xảy ra tại một doanh nghiệp bất động sản từng khá nổi tiếng tại khu vực phía Nam.
QCG cũng dính khá nhiều tai tiếng lùm xùm, liên quan tới việc công bố thông tin không đúng, không kịp thời và việc mua bán đất vàng giá rẻ, liên quan tới một số lãnh đạo của TP.HCM sau đó bị xử lý kỷ luật.
Mới chỉ trong khoảng 2 tuần qua, QCG có tới 2 thông tin khiến NĐT phải thận trọng: chưa hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2019 do dịch Covid-19 và xin gia hạn thời gian nộp BCTN năm 2019.
Hiện tượng cổ phiếu tăng giảm là bình thường, nó phụ thuộc vào cung-cầu trên TTCK. Tuy nhiên, những diến biến đầy bất ngờ và biên độ biến động rất mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khá bết bát là điều mà nhiều NĐT đặt ra câu hỏi về vấn đề quản trị thông tin tại doanh nghiệp này.
Thực tế cho thấy, sau khi ông Nguyễn Quốc Cường, con trai chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan rút khỏi mọi chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp này ghi nhận tình hình kinh doanh khá bết bát.
Ngay cả trong quý 1/2020 cũng vậy. Trong quý đầu năm, QCG ghi nhận doanh thu thuần giảm 78% xuống chỉ còn 81 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây, kể từ quý 2/2015. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa giảm đáng kể từ mức 57,5 tỷ về chưa đến 1 tỷ đồng.
QCG từng thắng lớn với nhiều dự án bất động sản tại khu vực phía Nam trong quá khứ nhưng vài năm gần đây doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, đến nỗi bà Loan từng chia sẻ với báo chí có lúc muốn tự tử vì những nhập nhằng pháp lý dự án kéo dài.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 7/5, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đang ở quanh mức 780-790 điểm. Các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 phân hóa sau một phiên đồng loạt tăng hôm qua.
Theo SHS, phiên tăng hôm qua đã giúp cho các tín hiệu kỹ thuật của VN-Index được cải thiện, tuy nhiên hiện chỉ số này đã tiến vào vùng kháng cự tương đối mạnh trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci retracement 38,2% – ngưỡng tâm lý) nên những rung lắc có thể diễn ra mạnh hơn.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 7/5, VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci retracement 38,2% – ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5, VN-Index tăng 18,43 điểm lên 782,59 điểm; HNX-Index tăng 1,25 điểm lên 106,66 điểm. Upcom-Index tăng 0,36 điểm lên 52,34 điểm. Thanh khoản đạt 6,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà