Tại cuộc họp trực tuyến ngày 15/6 cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương về dự kiến phân chia phạm vi các dự án thành phần để triển khai đầu tư xây dựng hai tuyến đường Vành đai 3, 4 TP HCM.
đường Vành đai 3 có chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Trong khi đó, đường Vành đai 4 có chiều dài 197 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An.
Đường Vành đai 3 và Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28/9/2011. Sau gần 10 năm được phê duyệt quy hoạch, đường Vành đai 3 mới chỉ xây dựng được 16,3 km, trong khi đường Vành đai 4 chỉ mới hoàn thành xây dựng được 11 km.
Theo UBND TP HCM, tuyến đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng góp phần phát triển kinh tế – xã hội Tp. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc TP HCM – Mộc Bài; cao tốc TP HCM – Chơn Thành (dự kiến đầu tư theo hình thức PPP trong giai đoạn 2021 – 2025), việc chậm khép kín đường Vành đai 3 sẽ giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong kêu gọi đầu tư xây dựng các đường cao tốc này. Về nguồn vốn, theo UBND TP HCM. Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 – TP HCM năm 2011, với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA kết hợp khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua và huy động từ tư nhân.
Đối với đường Vành đai 3, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch gồm 4 dự án thành phần, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư dự án thành phần 1A bằng nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Đối với dự án thành phần 2A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Đối với việc thực hiện ghép dự án thành phần 1B và 2B, bao gồm cả phần nút giao Tân Vạn sẽ giao cho UBND TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng đoạn nhánh nối với Quốc lộ 1, Bộ GTVT đề nghị UBND TP HCM triển khai thành dự án độc lập do trong quy hoạch đường Vành đai 3 không có nhánh này.
Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16,3 km hiện đã khai thác với quy mô 6 làn xe, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư bổ sung để hoàn thiện thành đường cao tốc nhằm thông toàn tuyến đường Vành đai 3. Đối với đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22, Bộ GTVT đề xuất UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn Bình Chuẩn – cầu Bình Gởi (bao gồm cả cầu vượt sông Sài Gòn). Phân đoạn từ cầu Bình Gởi đến Quốc lộ 22, giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đoạn cuối tuyến, Quốc lộ 22 – Bến Lức, giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn Quốc lộ 22 – kênh Thầy Thuốc (bao gồm cả cầu vượt kênh Thầy Thuốc). Phân đoạn kênh Thầy Thuốc – Bến Lức giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với đường Vành đai 4, Bộ GTVT đề xuất giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần; các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An mỗi địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hai dự án thành phần và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một dự án thành phần.
Nhật Hạ