Sẵn có lợi thế giáp ranh với TP.HCM, là thủ phủ khu công nghiệp lớn nên bất động sản Đồng Nai luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư. Khi quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành được thông qua, Đồng Nai lại càng thêm hấp dẫn.
Một góc Đồng Nai (Ảnh: Internet)
Nhiều ông lớn “đổ bộ” vào Long Thành
Cuối tháng 11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giai đoạn I Dự án sân bay Long Thành gồm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thông tin xây dựng sân bay Long Thành đã tác động tích cực tới thị trường bất động sản Đồng Nai. Nhiều ông lớn đã đổ bộ vào Long Thành để đón sóng thị trường. Vào tháng 8/2019, giới đầu tư không khỏi xôn xao khi CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (Bất động sản Hà An) – thành viên của Tập đoàn Đất Xanh, đấu giá thành công lô đất vàng tại xã Long Đức, huyện Long Thành, gần khu vực Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, số tiền doanh nghiệp phải chi là 3.060 tỷ đồng. Được biết, trước đây, lô đất này do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý và sử dụng. Sau đó, đã được UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh quản lý.
Tại lô đất này, Bất động sản Hà An sẽ thực hiện dự án Gem Sky World, đơn vị phát triển dự án là Tập đoàn Đất Xanh. Tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.725 tỷ đồng. Giá bán đất nền được tham khảo trên thị trường của dự án Gem Sky World Long Thành rơi vào khoảng 18 triệu đồng/m2. Theo đó, các căn nhà liền kề được bán với giá khoảng 3,2 tỷ/căn, nhà phố thương mại 6,5 tỷ/căn. Dự án đã được khởi công vào ngày 15/6/2020.
Một dự án đáng chú ý khác là Century City do CTCP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Để lấy được khu đất này, Công ty Thuận Lợi đã vượt qua 7 doanh nghiệp khác. Tính ra, doanh nghiệp phải chi 1.270 tỷ đồng để trúng giá. Đến ngày 27/4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 1304/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư Kim Oanh (tên thương mại: Century City) cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi. Giá bán đất nền được tham khảo trên thị trường của dự án Century City từ 18 triệu/m2 (đã VAT).
Một chủ đầu tư khác không thể không nhắc đến là Tập đoàn Novaland. Theo đó, vào tháng 6/2019, Novaland đã ra mắt mô hình đô thị sinh thái đầu tiên tại Đồng Nai với tên thương mại là Aqua City, quy mô hơn 186ha. Đây là dự án có vị trí gần sân bay Long Thành và ngay cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Được biết, trong năm 2019, Aqua City đã ra mắt phân khu như: The Suite, The Grand Villas, The Elite, The Stella.
Trong khi đó, “ông lớn” VinGroup vào tháng 5/2020 gây xôn xao dư luận với đề xuất thực hiện dự án Trung tâm thương mại và cao ốc căn hộ cao cấp Vincom có tổng diện tích gần 1,7 ha (phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Tại khu đất này, tập đoàn Vingroup sẽ xây dựng 2 block chung cư cao khoảng 40 tầng, dân số khoảng 3.200 người.
Một dự án khác là Biên Hòa New City Đồng Nai tọa lạc tại Quốc lộ 51, xã Phước Tân – Tam Phước, TP. Biên Hòa. Chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, đơn vị phát triển dự án là CTCP Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh. Diện tích khuôn viên dự án Biên Hòa New City rộng khoảng 118,95ha, mật độ xây dựng 31%, nằm trong tổng thể dự án khu đô thị, sân golf, thể thao và du lịch sinh thái Long Thành với quy mô 334 ha.
Ngoài ra, có thể kể đến nhiều nhà đầu tư lớn khác thực hiện các dự án lớn trên lĩnh vực thương mại dịch vụ kết hợp với khu đô thị, như: Nam Long, Tuấn Lộc, Thăng Long, Kim Oanh, Amata… Đa phần các dự án tập trung nhiều ở khu vực huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa.
Sức hút lớn nhờ quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành
Trong số những thị trường giáp ranh TP.HCM, Long Thành (Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nối bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Với vị trí là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn như: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Đà Lạt, Dầu Giây – Phan Thiết, Biên Hòa – Vũng Tàu, Tuyến đường vành đai 3 và 4… giúp kết nối giao thông giữa Long Thành, Đồng Nai với TP.HCM và các khu vực nhanh chóng và thuận tiện.
Đặc biệt, việc quy hoạch xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường địa ốc của khu vực. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ phát triển, từ đó, bất động sản cạnh sân bay cũng nóng theo với tiềm năng tăng giá cao.
Cũng cần phải nhấn mạnh, tận dụng những ưu thế sẵn có, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh việc hoàn thành thủ tục để đưa nhiều khu đất có diện tích lớn và nhiều lợi thế ra đấu giá. Mục tiêu là để lựa chọn các nhà đầu tư lớn có thực lực đầu tư các dự án theo quy hoạch của tỉnh. Trong đó, có những ràng buộc chặt chẽ là sau 4 năm không triển khai dự án sẽ bị thu hồi và không được bồi thường. Đến thời điểm này, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho gần 450 dự án khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Các dự án tập trung ở các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa là chính.
Ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay: “Rất nhiều nhà đầu tư bất động sản, công nghiệp, hạ tầng, thương mại dịch vụ đã đến Long Thành tìm hiểu về đất đai, môi trường đầu tư và dự tính sẽ đầu tư vào đây. Tới đây, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng các tuyến đường cao tốc như Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu được xây dựng và hoàn thành sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư”.
Một yếu tố khác cần quan tâm là giải ngân vốn FDI. Trong 7 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, giải ngân vốn FDI tại Đồng Nai đạt gần 710 triệu USD, đạt 118% kế hoạch đề ra vượt 18% so với kế hoạch năm. Dự tính trong 5 tháng cuối năm, nguồn vốn FDI được giải ngân có thể tăng thêm vài trăm triệu USD.
Ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP.HCM cho rằng, có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Đồng Nai và rất chú ý đến các dự án lớn về hạ tầng. Sắp tới, rất có thể sẽ có làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực.
Trao đổi với Tạp chí Nhà Đầu tư, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, Đồng Nai là một trong các KCN đầu tiên tồn tại sau năm 1975 nên lực lượng lao động rất lớn. Thậm chí, với lợi thế địa lý giáp TP.HCM, Đồng Nai có tiềm năng lớn trở thành đô thị vệ tinh hỗ trợ TP.HCM trong nhiều lĩnh vực. Qua đó, Đồng Nai có thể thu hút lượng lớn lực lượng lao động, cũng như thu hút dòng tiền đầu tư các dự án bất động sản của doanh nghiệp.