Mặc dù số vụ vỡ nợ có xu hướng chậm lại trong mùa Hè, nhưng số vụ vỡ nợ trong tháng 8 vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 8,6 của tháng 8 những năm trước. Điều này đã nâng tổng số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp trên toàn cầu lên con số 107, với hầu hết các vụ vỡ nợ đến từ châu Âu và Mỹ.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư (13/9), S&P cho biết số vụ vỡ nợ mới của doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 8 đã lên tới 16 vụ, con số trong các tháng 8 kể từ năm 2009, và là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng căng thẳng của các doanh nghiệp đang gia tăng.
S&P cho rằng tỷ lệ vỡ nợ sẽ tiếp tục tăng khi việc tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí huy động vốn ngày càng tăng và các khoản nợ đến hạn.
Báo cáo cho biết, tỷ lệ vỡ nợ dự kiến sẽ đạt 4,5% tại Mỹ vào tháng 6/2024 từ mức 3,5% vào tháng 7/2023 và tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu dự kiến sẽ tăng lên 3,75% vào tháng 6/2024 từ mức 3,1% vào tháng 7/2023.
Xét theo ngành, truyền thông và giải trí chiếm 1/3 số vụ vỡ nợ ở Mỹ và 25% tổng số vụ vỡ nợ trong tháng 8, trong khi lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu.
Trong khi đó, tỷ lệ vỡ nợ ở các thị trường mới nổi đang tiếp tục chậm lại, nhưng lại đang gia tăng ở khu vực Mỹ Latinh, chiếm 13 trong số 14 vụ vỡ nợ trên tất cả các thị trường mới nổi tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay.
Điều này trái ngược với giai đoạn đầu năm 2022 khi 40% tổng số vụ vỡ nợ ở các thị trường mới nổi là do các công ty xây dựng và bất động sản có trụ sở tại Trung Quốc.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2023, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). Như vậy sau nửa đầu năm 2023 đã có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa (16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng).
Tuy nhiên trong chiều ngược lại, sau 6 tháng đầu năm, cả nước cũng có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Trong đó là 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Dù tình hình hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn tuy nhiên theo Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo thống kê, bình quân mỗi tháng 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng sau 6 tháng đầu năm. Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).
Ngoài ra, theo Cục Đăng ký kinh doanh trong tháng 6/2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong tháng 6 từ trước đến nay. Thống kê, tháng 6 có 13.900 doanh nghiệp thành lập mới cùng với đó là 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
“Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn”, Cục Đăng ký Kinh doanh cho biết.
Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023. Dự kiến quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, vốn kinh doanh được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.
Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 – 2,0%/năm. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động.
Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Tổng Hợp
(ĐTCK, VTV)