Số thu từ đất đai giai đoạn 2013-2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.
Khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013; Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện đang được gửi xin ý kiến nhân dân.
Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều; trong đó có 1 chương (18 điều, từ Điều 147 đến Điều 164) quy định về vấn đề “Tài chính về đất đai, giá đất”, quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như: khoản thu từ đất đai; điều tiết nguồn thu từ đất; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án…
Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như: phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Ngày 28/2, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách Nhà nước.
Theo đó, số thu từ đất đai gồm từ chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất giai đoạn 2013-2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Ông Chi cũng chỉ ra một số quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, chẳng hạn như chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Ngoài ra, các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường…
“Các nội dung nêu trên đều là các vấn đề lớn, có tác động sâu, rộng đến nhiều mặt, nhiều tầng lớp, thành phần xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đã báo cáo tóm tắt về một số nội dung liên quan đến tài chính đất đai quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính cần xin ý kiến tham gia như: khoản thu tài chính từ đất đai, dịch vụ công từ đất đai; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bảng giá đất; quỹ phát triển đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, để xác định giá đất sát với giá thị trường cần ban hành nguyên tắc và phương pháp định giá tài sản, đồng thời, khi định giá đất sẽ do các tổ chức cơ quan chuyên nghiệp về địa giá đất độc lập tiến hành thực hiện.
Bên cạnh đó, theo ông Long, các chủ thể cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động định giá đất tại địa phương, từ đó nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ định giá viên.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), các nội dung quy định tại dự thảo Luật và các nội dung khác liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính như: Điều 147 về khoản thu tài chính từ đất, Điều 149 về khoản thu từ dịch vụ công từ đất đai, Điều 150, căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều 154 về Bảng giá đất; Điều 113 về Quỹ phát triển đất.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Tiền Phong)