Tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh. Trong 8 tháng, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm tới 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, cũng tăng 10,8%. Điều này cho thấy, những khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám lĩnh vực bất động sản.
Trong khi, người làm công việc bán bất động sản được ví von “ráo mồ hôi là hết tiền” bởi một khoản tiền về họ sẽ phải chia ra cho nhiều chi phí như quảng cáo, tiếp khách, đi lại…; thậm chí là cả tiền “cắt máu” cho khách.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có tới 20% sàn giao dịch đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.
Cùng đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt nhưng không nhiều.
Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo Báo cáo chuyên đề tháng 08/2023 của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng doanh nghiệp BĐS giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Dữ liệu từ Khảo sát của VARS với các Hội viên VARS là sàn giao dịch bất động sản cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều.
Nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý 3/2023, nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Các môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch cũng có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội,… do không có nguồn thu; hay bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.
Tổng Hợp
(TTXVN, FILI)