Việt Nam đã trải qua “khủng hoảng” bất động sản khiến tình hình kinh tế đi xuống vào năm 2012. Nhưng kể từ đó đến nay, Việt Nam chưa trải qua thêm bất kỳ một khủng hoảng bất động sản nào nữa. Số lượng bất động sản rao bán tại TPHCM và Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ…
Theo ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, số lượng bất động sản rao bán tại TPHCM và Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Một số nhà đầu tư lo ngại, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của “bong bóng” bất động sản, điều này sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của đất nước trong vài năm tới.
“Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam hoàn toàn khác so với Trung Quốc, nơi có lượng cung nhà trống quá lớn. Thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn đang ở mức bình ổn, dù phải hứng chịu những khó khăn ngắn hạn”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Theo chuyên gia của VinaCapital, Trung Quốc đã trải qua một chu kỳ “bùng nổ và vỡ” thường thấy của ngành bất động sản. Trong đó, các ngân hàng cho vay quá mức vào thời kỳ đỉnh cao của thị trường khiến giá nhà tăng cao và dẫn đến thừa nguồn cung.
Thêm vào đó, tình hình hiện tại chắc chắn không phải là hậu quả của bong bóng bất động sản. Điều này được minh chứng bởi tỷ lệ nhà đất trống thực tế của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
“Trên thực tế, Việt Nam không có đủ số lượng nhà ở mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này cần những căn hộ có giá khoảng 1.500 USD/m2 phục vụ nhu cầu ở thông thường”, ông Michael Kokalari nói.
Hiện tại, nút thắt đầu tiên mà các chủ đầu tư đang phải đối mặt để xây thêm nhiều chung cư, nhà ở là quy trình phê duyệt và quy hoạch của Việt Nam. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng đang rất cần được hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thu mua đất và xây dựng các dự án.
“Chúng tôi nhận thấy, Chính phủ đã có những nỗ lực nhằm giảm bớt những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản đang gặp phải khi xin phê duyệt cần thiết để tiến hành triển khai dự án”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng, bất động sản chỉ đóng góp một phần nhỏ vào GDP của Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ cơ chế và chính sách, cũng như sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng, song vẫn tồn tại nhiều dự án bất động sản đang phải tạm ngưng do gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý, điều chỉnh quy hoạch…
Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang làm cho việc giải quyết lượng tồn kho bất động sản trở nên khó khăn.
Theo Bộ Xây dựng, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn hơn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.
Hàng tồn kho lớn được thể hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho thấy, giá trị tồn kho 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ đồng). Lượng hàng tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.
Dù giá trị tồn kho bất động sản gia tăng, nhiều chuyên gia vẫn duy trì dự báo lạc quan và cho rằng tồn kho này sẽ trở thành tài sản giá trị trong giai đoạn sắp tới, khi thị trường bất động sản trở lại với tình trạng thanh khoản tốt hơn.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)