Số liệu kinh tế Trung Quốc xấu đi trông thấy trong những tháng gần đây. Các con số thống kê của tháng 7 phần lớn đều không đạt kỳ vọng.
Dữ liệu tín dụng trong tháng 7 cũng cho thấy nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp và hộ gia đình sụt giảm. Đồng thời ngành bất động sản cũng đang suy yếu khi Country Garden, công ty địa ốc từng mạnh nhất Trung Quốc, nay đã bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ. “Chúa chổm” Evergrande Group mới đây cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 0,3 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tình trạng giảm phát lần đầu tiên sau hơn 2 năm của nước này. Điều này hoàn toàn trái ngược với vấn đề lạm phát mà các nền kinh tế lớn ở phương Tây đang phải đối mặt.
“Trung Quốc đang cố gắng dịch chuyển nền kinh tế theo hướng lấy tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng, dẫn tới những mối liên kết giữa nền kinh tế nước này với kinh tế toàn cầu cũng thay đổi theo”, chuyên gia kinh tế Tiffany Wilding chia sẻ với CNBC.
“Bởi vậy, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng giá cả giảm ở nước này có khả năng lan ra các thị trường trên toàn cầu. Trong ngắn hạn, đây là tin tốt đối với cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương phương Tây”, chuyên gia này nói thêm.
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế phương Tây đối mặt với lạm phát cao do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng vọt. Trong khi đó, Trung Quốc không rơi vào tình thế tương tự sau khi nước này chấm dứt các biện pháp chống Covid-19, bởi sức mạnh của ngành sản xuất trong nước giúp nước này giải quyết được các nút thắt nguồn cung, đồng thời hưởng lợi từ xu hướng giảm giá của hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Carol Liao và Wilding đến từ quỹ đầu tư Pimco lưu ý rằng, nhu cầu trong nước chững lại đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ. Cùng với đó, những khó khăn trong ngành bất động sản cũng làm suy giảm hoạt động đầu tư trong nước, dẫn tới sự dư thừa công suất trong lĩnh vực sản xuất.
“Thêm vào đó, phản ứng của Chính phủ với nền kinh tế là chưa đủ. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nhu cầu và ổn định tăng trưởng thông qua nới lỏng tín dụng vẫn chưa đủ để bù đắp áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản”, chuyên gia của Pimco chia sẻ thêm.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây đã tung loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự mất giá của đồng nhân dân tệ cũng như kích cầu nền kinh tế bằng cách tăng mạnh tỷ giá tham chiếu và giảm lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, thị trường dường như không tin rằng các động thái của Bắc Kinh đủ để đảo ngược đà trượt dốc của nền kinh tế.
Skylar Montgomery Koning, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại ngân hàng TS Lombard, nhận định rằng sự thất vọng của thị trường có thể tiếp diễn. Bởi bất kỳ biện pháp tài khóa nào của Chính phủ Trung Quốc chỉ là phiên bản mạnh hơn của các biện pháp hiện tại chứ khó có thể tác động trên diện rộng để vực dậy niềm tin của người dân.
“Tăng trưởng chậm hơn, kích cầu yếu, thương mại suy giảm và dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc đều là chỉ báo cho thấy đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu hơn trong quý này”, chuyên gia nhận định.
Dù Trung Quốc đang điều chỉnh nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào các trụ cột truyền thống là bất động sản và xuất khẩu, các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất ra vẫn giữ vị trí thống trị trên hàng tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ.
“Theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, tính đến tháng 6, giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm trung bình 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sản xuất của hàng tiêu dùng ở Trung Quốc cũng giảm 5% nếu tính theo đồng USD”, 2 chuyên gia Wilding và Liao chia sẻ với CNBC.
“Quan trọng là sự giảm giá này đang giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi. Tháng 7 đánh dấu lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19, giá hàng tiêu dùng bán lẻ ở Mỹ giảm trong 3 tháng”, họ nhấn mạnh.
Sự suy yếu của giá cả ở Mỹ có thể lan truyền sang các thị trường phát triển khác. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã suy yếu trong những tháng gần đây.
Khi những rủi ro về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trở thành hiện thực, 2 chuyên gia Wilding và Liao cho rằng Bắc Kinh có thể xem xét sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy xuất khẩu và giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung trong nước.
Tổng Hợp
(Dân Trí)