Sở hữu chéo, sân sau được “siết” thế nào tại Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)?
Theo dự án Luật sửa đổi lần này, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, tỷ lệ này đang được giữ ở mức 5%.
Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng quy định, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ các trường hợp như: Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án chuyển giao bắt buộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định; sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa.
Điều 133. Quyền, nghĩa vụ của công ty kiểm soát
Công ty đang sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp trên 20% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết hoặc nắm quyền kiểm soát của một ngân hàng thương mại trước ngày Luật này có hiệu lực; ngân hàng thương mại có công ty con, công ty liên kết (sau đây gọi tắt là công ty kiểm soát) có quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
3. Công ty kiểm soát không được can thiệp vào tổ chức, hoạt động của công ty con, công ty liên kết ngoài các quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông.
Cũng theo dự thảo Luật, dự kiến cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% (quy định hiện hành là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp như vừa nêu trên. Đồng thời, cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của nhà băng khác.
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.
Về việc cấp tín dụng, dự thảo Luật quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Như vậy, dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng dự kiến giảm 5%, từ mức 15% như hiện hành và giảm 10% (từ mức 25% hiện hành) đối với tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Mức dư nợ cấp tín dụng cho các đối tượng trên gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành. Nhưng không gồm các khoản cho vay từ nguồn ủy thác của Chính phủ; tổ chức, cá nhân mà ngân hàng nhận ủy thác không chịu rủi ro.
Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định.
Tổng Hợp
(Dân Việt)