Trong số các ngân hàng trên thị trường Việt Nam, VPBank và Techcombank phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và đang vững vàng với vị thế 2 ngân hàng tư nhân hàng đầu.
Không chỉ so kè quyết liệt về vốn hóa, VPBank và Techcombank còn có nhiều chỉ số tài chính tương đồng nhau.
Vốn hóa trên sàn chứng khoán của VPBank và Techcombank bám đuổi nhau quyết liệt trong phần lớn thời gian của năm 2022 và chỉ chịu đứng sau 3 ông lớn Nhà nước, là Vietcombank, BIDV và VietinBank.
Theo quan sát, thời gian gần đây, vốn hóa VPBank bắt đầu bỏ xa so với Techcombank.
Cụ thể, từ đầu tháng 9/2022, thị trường chứng khoán bắt đầu rơi vào xu hướng giảm, kéo vốn hóa 2 ngân hàng này cùng đi xuống. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2022, trong khi VPBank bắt đầu đi ngang, thì Techcombank tiếp tục giảm giá trị.
Cao điểm nhất, tại ngày 27/10/2022, vốn hóa VPBank đã có lúc cao hơn tới 30.000 tỷ đồng so với Techcombank. Đây là mức chênh lệch lớn nhất mà VPBank tạo lập được so với Techcombank từ trước đến nay.
Tính đến phiên sáng 16/12/2022, khoảng cách vốn hóa giữa 2 ngân hàng đã thu hẹp lại, còn gần 23.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Trước đó, vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, vốn hóa VPBank thấp hơn Techcombank cũng khoảng 1 tỷ USD.
Một số khoản mục như “Tài sản”, “Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác”, “Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán” cũng cho thấy sự tương đồng giữa VPBank và Techcombank, cho dù có thể ở một số thời điểm ngân hàng này cao hơn hẳn ngân hàng kia.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của VPBank 6 tháng đầu năm có được nhờ hoạt động cho vay tăng mạnh với dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỉ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống là 9,35%.
Nhờ đó tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt gần 31.600 tỉ đồng, tăng tới 37% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank sau khi trừ đi chi phí hoạt động đạt tới hơn 25.000 tỉ đồng, tăng vọt tới gần 42% so với cùng kỳ 2021.
Song bên cạnh con số lãi khủng, nợ xấu tại VPBank cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2022 và buộc ngân hàng phải trích lập hàng nghìn tỉ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Báo cáo tài chính cho thấy, đến thời điểm hiện nay, VPBank là ngân hàng đứng đầu về tổng nợ xấu với tổng nợ xấu ở thời điểm 30.6.2022 lên tới 20.624 tỉ đồng, tăng 27% so với đầu năm.
Trong đó nợ có khả năng mất vốn của VPBank tăng hơn 240%, từ 2.046 tỉ đồng lên 4.970 tỉ đồng trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng 20% lên 9.091 tỉ đồng. Theo đó trong nửa đầu năm nay, tỉ lệ nợ xấu của VPBank vọt tăng lên 5,25% từ mức cao nhất toàn hệ thống trước đó là 4,83% vào cuối tháng 3.2022.
Nhận định về các rủi ro từ thị trường bất động sản, JP Morgan cho rằng room tín dụng hạn chế và sự giám sát của cơ quan quản lý đã dẫn đến những khó khăn về thanh khoản của các công ty bất động sản tại Việt Nam.
JP Morgan ước tính khoảng 7% tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản và 8% cho vay xây dựng và 14 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024.
Trong danh sách cổ phiếu ngân hàng mà JP Morgan theo dõi, Techcombank và VPBank có tỷ trọng đầu tư bất động sản và xây dựng lớn nhất với tỷ lệ tương ứng là 31% và 21% trong khi ở Vietcombank hay ACB, tỷ trọng này thấp hơn chỉ ở mức 13% và 6%.
Do đó, theo các chuyên gia cũng nhận thấy rủi ro về nợ xấu và chi phí tín dụng cao hơn tại VPBank và Techcombank. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng hai ngân hàng có xu hướng cho vay với các nhà phát triển bất động sản lớn và các khoản vay thường được thế chấp, điều này giúp hạn chế rủi ro về nợ xấu.
Tổng Hợp
(Nhịp Sống Thị Trường, Doanh Nghiệp Niêm Yết, Lao Động)