Agribank là “anh cả” xét về quy mô hoạt động cũng như nguồn thu đem về nhưng Vietcombank mới là “quán quân” lợi nhuận nhờ hiệu quả kinh doanh vượt trội.
Số liệu tổng hợp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, Agribank tiếp tục là “anh cả” trong nhóm “Big 4” khi đem về tổng thu nhập hoạt động (thu nhập từ tất cả các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động tín dụng và các hoạt động phi tín dụng) lớn nhất với 25.466 tỷ đồng. Trong đó, 79% là đến từ hoạt động tín dụng và 21% đến từ các hoạt động phi tín dụng.
Kế đó là Vietcombank với 22.615 tỷ đồng (75% đến từ tín dụng và 25% đến từ phi tín dụng), BIDV với 21.186 tỷ đồng (73% đến từ tín dụng và 27% đến từ phi tín dụng) và VietinBank với 20.340 tỷ đồng (78% đến từ tín dụng và 22% đến từ phi tín dụng).
Như vậy, phần lớn nguồn thu của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh trên vẫn đến từ hoạt động tín dụng với tỷ trọng từ 75% đến 80%.
Việc Agribank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động lớn nhất trong nhóm “Big 4” là dễ hiểu khi đây là ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống ngân hàng xét cả về tổng tài sản lẫn dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, quy mô BIDV không kém Agribank là bao nhưng tổng thu nhập hoạt động vẫn kém xa; thậm chí kém hơn cả Vietcombank – ngân hàng có quy mô nhỏ nhất nhóm “Big 4”.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân đến từ biên lợi nhuận mảng tín dụng.
Tính toán cho thấy, trong mảng tín dụng, để tạo ra 100 đồng thu nhập lãi (doanh thu hoạt động tín dụng chưa tính đến chi phí huy động) thì ở BIDV cần chi ra tới 68 đồng chi phí lãi (hay chi phí huy động), thu nhập lãi thuần (chênh lệch thu nhập lãi – chi phí lãi) được tạo ra tương ứng là 32 đồng.
Trong khi đó, để tạo ra 100 đồng thu nhập lãi, Agribank chỉ cần 63 đồng chi phí lãi, thu nhập lãi thuần tạo ra tương ứng là 27 đồng. Đặc biệt, Vietcombank chỉ cần 51 đồng chi phí lãi, thu nhập lãi thuần tạo ra tương ứng lên đến 49 đồng.
Điều này phần nào phản ánh Vietcombank có chênh lệch lãi suất cho vay – lãi suất huy động rộng nhất, trong khi đó, BIDV hẹp hơn nhiều. Nôm na, Vietcombank buôn tiền hiệu quả hơn BIDV, do vậy mà dù thu nhập lãi tạo ra ít hơn nhưng thu nhập lãi thuần vẫn lớn hơn BIDV, kéo theo tổng thu nhập hoạt động lớn hơn.
Biên lợi nhuận mảng tín dụng của “Big 4” ngân hàng có thể thấy rõ trong đồ thị dưới đây:
Tổng thu nhập hoạt động lớn nhất không có nghĩa là lợi nhuận đem về lớn nhất, bởi còn chưa tính đến hai loại chi phí: chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tính toán cho thấy, ở Agribank, trong 100 đồng tổng thu nhập lãi thuần tạo ra, chi phí hoạt động “ngốn” đến 48 đồng. Trong khi đó, ở Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt là 35 đồng, 31 đồng và 32 đồng.
Điều này phần nào phản ánh Agribank đang là ngân hàng có chi phí hoạt động kém tối ưu nhất trong nhóm “Big 4”. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, bởi nếu tối ưu hóa tốt chi phí hoạt động trong thời gian tới (đặc biệt là sau khi cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán), lợi nhuận của Agribank sẽ có thêm lực đẩy.
Bên cạnh chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng bào mòn mạnh nguồn thu. Trong 100 đồng tổng thu nhập hoạt động, 26 đồng được Agribank dành cho chi phí dự phòng. Con số này ở Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt là 18 đồng, 32 đồng và 48 đồng.
Như vậy, gánh nặng dự phòng nửa đầu năm của BIDV là lớn nhất, kế đó là VietinBank, Agribank và sau cùng là Vietcombank.
Tựu trung, trong 100 đồng tổng thu nhập lãi thuần, hai loại chi phí “ngốn” hết 74 đồng ở Agribank, 53 đồng ở Vietcombank, 63 đồng ở VietinBank và 80 đồng ở BIDV.
Điều này cho thấy Vietcombank tiếp tục đứng đầu về tính hiệu quả trong trong hoạt động kinh doanh.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, nhờ hiệu quả vượt trội, Vietcombank đứng đầu nhóm “Big 4” về lợi nhuận trước thuế với 10.707 tỷ đồng. Kế đó là VietinBank với 7.482 tỷ đồng, Agribank với 6.761 tỷ đồng và cuối cùng là BIDV với 4.162 tỷ đồng.