Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay. Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực và đang vướng rất nhiều lùm xùm.
Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (Capella Holdings), ông Trí còn là lãnh đạo Công ty Lâu Đài Ven Sông, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học Văn Lang; Chủ tịch hội Doanh nghiệp quận 1 nhiệm kỳ 2018-2023… ông Nguyễn Cao Trí hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt, CTCP Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, CTCP Salla, CTCP Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare.
Trong vài năm trở lại đây, đại gia Nguyễn Cao Trí cũng dính không ít lùm xùm liên quan đến: Xây vượt tầng, kinh doanh quán bả, nhà hàng không đúng mục đích ở tòa nhà The One Saigon, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; sai phạm xây dựng không phép ở Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông “Trùm” vướng “lùm xùm”
Kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất nhiều dự án lớn. Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt do Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư cũng nằm trong số đó.
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án này khoảng 25.000 tỷ đồng. Diện tích dự án gần 3.600ha, tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án.
Diện tích đất chuyển mục đích gần 324ha; chi phí chuyển đổi tiền sử dụng đất trên 226 tỷ đồng. Sau khi được miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất Công ty phải nộp trên 158 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất, Công ty không tuân thủ nghĩa vụ tài chính.
theo xác định của cơ quan thuế, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn – Đại Ninh vẫn không nộp trên 158 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Tính đến tháng 10/2018, tiền phạt chậm nộp là trên 104 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty còn nợ đọng số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng với số tiền trên 6,6 tỷ đồng.
Chuyện lạ là đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định điều chỉnh quyết định ban hành năm 2012. Trong đó có nội dung chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích 166,5ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.
Như vậy, diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và Công ty này không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền gần 262,5 tỷ đồng (bao gồm cả tiền phạt chậm nộp).
Khi mới thành lập, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, với 8 cổ đông cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group giữ 85% cổ phần và 7 cổ đông cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại.
Tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.
Tháng 10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, thành phần cổ đông cũng thay đổi khi phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa đứng tên.
Tuy nhiên, về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 là chủ sở hữu của Phương Nam Group.
Cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa khiến không ít người bất ngờ khi không còn là người đại diện theo pháp luật tại Sài Gòn – Đại Ninh mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí với vai trò Tổng Giám đốc.
Theo tìm hiểu, Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt).
Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, TP.HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, quận 1, TP.HCM) đều là những tụ điểm vui chơi có tiếng.
Mặc dù là “ống lớn” đứng sau những doanh nghiệp đình đám nhưng doanh thu của Capella Holdings lại là con số khá “khiêm tốn”.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo kinh doanh hợp nhất năm 2017 của Capella Holdings, doanh thu của Capella Holdings đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với năm 2016 nhưng chỉ mới hoàn thành 55% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 55 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch và cao hơn 26% so với năm 2016.
Lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings 34 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings trong hai năm 2018 và 2019 có sự sụt giảm rõ rệt.
Năm 2018, Capella Holdings ghi nhận doanh thu đạt 71 tỷ đồng, giảm tới 81,6% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 14,6 tỷ đồng.
Sang đến năm 2019, doanh thu của Capella Holdings có sự cải thiện, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 400 triệu đồng.
Mức lợi nhuận kể trên có thể nói là không đáng kể nếu so với quy mô tài sản, nguồn vốn của Capella Holdings.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với năm trước; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 408 tỷ đồng.