Một số ngân hàng đã có động thái tạm dừng hoặc hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Siết vay bất động sản có giúp kiềm chế được thị trường ở thời điểm hiện tại?
Ngay sau khi các ngân hàng có động thái “siết” tín dụng vào bất động sản, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp trong ngành lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, bởi phần lớn nhà đầu tư hiện nay sử dụng đòn bẩy tài chính.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, việc tạm dừng giải ngân cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến những người đang dùng đòn bẩy tài chính lớn với kỳ vọng bất động sản năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh. Đây có thể là doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư lớn, những người đầu tư bất động sản theo kiểu lướt sóng.
Lý do là, những khu vực sốt đất, giá đất tăng nóng hoặc những dự án không có giấy tờ pháp lý đàng hoàng sẽ khó lòng tiếp cận vốn vay ngân hàng như trước. Bản thân các ngân hàng cũng rất sợ rủi ro pháp lý và rủi ro nợ xấu như trong quá khứ, nên việc thẩm định dự án, thẩm định tài chính của doanh nghiệp bất động sản cũng phải làm rất chặt chẽ.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là những người muốn vay vốn mua nhà để ở sẽ bế tắc. Với các dự án đầu tư xây dựng chung cư, khu dân cư có pháp lý hoàn chỉnh, liên kết với ngân hàng thương mại để được cấp vốn vay rồi bán trên thị trường, thì khách hàng vẫn có thể được ngân hàng tiếp tục cho vay.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) không siết chặt, mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Cụ thể, bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường.
“Các doanh nghiệp lớn kỳ vọng dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, song tác động lên nhóm này là không lớn. Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi họ đã có kế hoạch dài hơn”, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nói.
Để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng, giải ngân ồ ạt đối với mảng cho vay bất động sản, một số ngân hàng đã có động thái tạm dừng hoặc hạn chế cho vay đối với lĩnh vực này.
Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã ban hành công văn trên toàn hệ thống là sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022. Thay vào đó, Ngân hàng tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…
Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận. Theo đó, ngân hàng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình đã hạn chế cho vay vốn bất động sản từ năm 2021.
Thực tế, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản, đồng thời yêu cầu các ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro. Vì vậy, tăng trưởng cho vay với lĩnh vực bất động sản đã dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% trong năm 2018, còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức này trong năm 2021.
Tổng Hợp