Mới đây, Shopee đã có thông báo ngừng hoạt động tại thị trường Ấn Độ và Pháp. Nguyên nhân được trang thương mại điện tử này đưa ra là do triển vọng tăng trưởng kém.
Tại thị trường Việt Nam, Shopee chính thức ra mắt vào tháng 8/2016. Báo cáo tài chính những năm đầu cho thấy, Shopee dành đến 90% kinh phí marketing cho các chiến dịch khuyến mãi, miễn phí vận chuyển, flash sale và phiếu giảm giá cho cả người mua và người bán nhằm thu hút lượng đáng kể khách hàng đến từ các nền tảng khác nhau.
Điều này nhanh chóng giúp Shopee trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Iprice Group, trong quý 2/2021, mặc dù các sàn thương mại điện tử như Tiki hay Lazada đều làm ăn tốt trong đại dịch, nhưng tổng lượng truy cập của hai công ty này chỉ bằng một nửa của Shopee.
Cụ thể, Shopee Việt Nam có tổng 72,97 triệu lượt truy cập, trong khi đó của Lazada và Tiki lần lượt là 20,42 triệu lượt và 17,19 triệu lượt.
Dù vậy, kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Shopee chưa bao giờ lãi, từ năm này qua năm khác đều lỗ.
Năm 2017 – 2018, doanh thu của Shopee Việt Nam 0 đồng. Sang năm 2019, doanh thu của Shopee đạt 804 tỷ đồng và năm 2020 đạt mức tăng trưởng rất nhanh, lên tới 2.307 tỷ đồng, tức là tăng gần 3 lần so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Shopee Việt Nam tương đối “thảm” và liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2016, Shopee Việt Nam báo lỗ 164 tỷ đồng, năm 2017 tiếp tục lỗ 619 tỷ đồng.
Năm 2018, dù đã có doanh thu, nhưng Shopee Việt Nam giảm sâu lợi nhuận, ghi nhận mức lỗ 1.901 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, Shopee Việt Nam đạt “đỉnh” lỗ lên tới 2.411 tỷ đồng. Sang năm 2020 tiếp tục lỗ 1.610 tỷ đồng.
Như vậy, trong 5 năm, từ 2016 – 2020, Shopee Việt Nam báo lỗ hơn 6.700 tỷ đồng, tương đương 293 triệu USD.
Shopee đã rút lui tại 2 thị trường Ấn Độ và Pháp, vì lý do triển vọng tăng trưởng kém. Trong khi đó, tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử này ghi nhận mức lỗ khổng lồ lên tới 6.700 tỷ đồng.
Về quyết định rút lui khỏi thị trường Ấn Độ, Shopee cho biết là do họ chứng kiến những bất ổn của thị trường toàn cầu và công ty sẽ cố gắng hết sức để quá trình diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Được biết, Ấn Độ được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng, với dân số đông thứ 2 thế giới, lên tới 1,3 tỷ dân. Do đó, sự rút lui của Shopee tại thị trường này được rất nhiều chuyên gia đánh giá là một bước lùi của trang thương mại điện tử này.
Trên thực tế, từ tháng 10/2021 cho tới cuối tháng 3/2022, thời điểm Shopee thông báo đóng cửa tại Ấn Độ, giá trị của sàn thương mại điện tử này đã “bốc hơi” 2/3, tương đương 130 tỷ USD.
Đầu tháng 4, sau sự rút lui tại Ấn Độ và Pháp, Shopee thông báo sẽ tập trung vào Đông Nam Á, Brazil và Đài Loan.
Tổng Hợp