Ngày 6/11, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục gửi thông tin thêm đến khách hàng về các vấn đề liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.
Phía ngân hàng cho biết vẫn đang tiếp tục làm việc với CTCP Chứng khoán Tân Việt, Tổ chức phát hành, Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để trình bày các mong muốn, kiến nghị của khách hàng nhằm giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, SCB mong khách hàng bình tĩnh, thấu hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi và lợi ích pháp của mình, đồng thời không gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
Ngân hàng cho biết luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của mỗi một khách hàng một cách đầy đủ, trật tự và cũng mong khách hàng hợp tác với SCB để bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng quy định pháp luật, để góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, tại thư ngỏ ngày 3/11 gửi tới khách hàng, SCB cho biết thời gian qua, ngân hàng có hợp tác với một số công ty chứng khoán để thực hiện dịch vụ giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua/bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán.
Sau quá trình giới thiệu, các khách hàng tiến hành ký kết các hợp đồng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp với các công ty chứng khoán.
Phía ngân hàng khẳng định chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với các khách hàng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp. SCB vẫn đang tích cực làm việc với các công ty chứng khoán và các bên liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 26/10/2022, SCB đã tham gia cuộc họp ba bên với Công ty Chứng khoán Tân Việt và khách hàng nhằm giải đáp những thắc mắc của khách hàng. Đến nay, quá trình phối hợp với các bên liên quan vẫn đang diễn ra liên tục nhằm nhanh chóng có hướng xử lý bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Thực tế, rủi ro đơn vị phát hành chậm hoặc không thể thanh toán lãi, gốc trái phiếu từng được các chuyên gia và cơ quan quản lý cảnh báo với nhà đầu tư nhiều lần.
Bộ Tài chính cho biết TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Với TPDN riêng lẻ, cơ quan này cho biết sản phẩm này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là đối tượng có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư, khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Cũng theo Bộ Tài chính, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, các đơn vị này không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Còn rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, cơ quan này lưu ý nhà đầu tư phân loại giữa trái phiếu được bảo lãnh thanh toán và trái phiếu được bảo lãnh phát hành.
Với TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì phải lưu ý bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Điều này có nghĩa tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.
Với TPDN có bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh thuộc bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại.
Về tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính cho rằng các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Tổng Hợp