Lãnh đạo một bất động sản cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang phải dừng triển khai dự án mới vì việc phát hành trái phiếu như kế hoạch có khả năng không thực hiện được sau sự việc của Tân Hoàng Minh vừa qua.
Trong một đánh giá mới đây, các chuyên gia FiinRatings cũng cho rằng, nửa cuối năm nay và năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, lợi thế phát hành chỉ thuộc về các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và các công ty niêm yết.
“Việc siết thị trường trái phiếu sẽ khiến một số công ty bất động sản gặp khó khăn lớn và nhiều rủi ro, nhưng cũng không ít doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và có thể tiếp tục phát triển nếu các rủi ro ngành được kiểm soát”, chuyên gia FiinRatings dự báo.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản là do lỗi của hành lang pháp lý có nhiều kẽ hở. Vì vậy, cơ quan quản lý nên tìm cách bít lỗ hổng này, chứ không phải chỉ vì một số doanh nghiệp vi phạm mà “vùi dập” thị trường. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, phát triển, doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi vì thiếu một kênh huy động vốn quan trọng.
Nếu Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tới đây siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lợi thế huy động vốn trên thị trường sẽ thuộc về các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã lên sàn, doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô vừa phải nhưng chưa lên sàn sẽ ngày càng đuối sức về vốn khi bị bóp nghẹt cả hai đầu (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp).
Thậm chí, nếu chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp không thể trả nợ vay, ngân hàng đối mặt với nợ xấu, hệ lụy với nền kinh tế rất lớn.
Về giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, tại tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, các diễn giả đều có chung nhận định cho rằng xếp hạng tín nhiệm là một trong những vấn đề cần phải được nhìn nhận đầy đủ, cần được chú trọng.
Theo TS Lê Đạt Chí, trường Đại học Kinh tế TP HCM, quy định Nghị định 153 hiện nay chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm được rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP HCM nhìn nhận nếu Tân Hoàng Minh không đủ tiền để trả vốn gốc và lãi trái phiếu thì đồng nghĩa tổ chức tín dụng mua trái phiếu “dính” nợ xấu và không biết khi nào mới thu hồi vốn được. Còn việc nhóm DN liên quan Tân Hoàng Minh giao cho NH quản lý tài sản bảo đảm là một trong những chiêu thức khiến nhiều người nhầm tưởng NH sẽ chi trả thay nếu DN không thanh toán được. Từ đó, để thu hút người mua, các công ty chứng khoán làm kênh phân phối thường tiếp thị rằng trái phiếu có sự tham gia của NH để thu được 0,2%-1% tiền phí từ DN phát hành.
“Thực chất của việc NH quản lý tài sản là để thu phí DN. Đồng thời, NH có trách nhiệm phối hợp với DN bán các tài sản bảo đảm, quản lý dòng tiền chi trả thay cho người mua trái phiếu nếu DN phát hành mất khả năng thanh toán” – vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói rõ.
Không phải đến khi vụ việc các lô trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy, các chuyên gia mới cảnh báo về những lỗ hổng của trái phiếu DN. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Báo cáo thị trường trái phiếu DN năm 2021 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy bức tranh đáng lo ngại. Chỉ tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản bảo đảm.
Tổng Hợp