Thái Lan, Myanmar, Campuchia,… ghi nhận các ‘sào huyệt’ của nhiều tổ chức lừa đảo tài chính xuyên biên giới, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như giả danh cơ quan tài chính, chiêu dụ đầu tư siêu lợi nhuận hay mô hình Ponzi, các nhóm lừa đảo đã khiến hàng triệu người sập bẫy, mất sạch tài sản.
Đông Nam Á đang trở thành trung tâm của các tổ chức lừa đảo tài chính với quy mô ngày càng tinh vi. Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các băng nhóm tội phạm mạng đã mở rộng hoạt động tại các quốc gia trong khu vực.
Hoạt động ảo, thiệt hại thật… hàng tỷ USD
Theo báo cáo của Hãng bảo mật Kaspersky, trong nửa đầu năm 2024 tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính cao nhất với 141.258 vụ, tăng đến 582% so với năm trước.
Mới đây, Thái Lan đã phải cắt điện, internet và nhiên liệu cho 5 khu vực biên giới với Myanmar, nhằm ngăn chặn các trung tâm lừa đảo đang trở thành mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh nước này, theo Reuters.
Tiếp theo là Indonesia với 48.439 trường hợp. Việt Nam đứng thứ 3 với 40.102 vụ, trong khi Malaysia ghi nhận 38.056 cuộc tấn công lừa đảo liên quan đến các vấn đề tài chính.
Singapore và Philippines là hai quốc gia ghi nhận số vụ tấn công này ít nhất, với lần lượt 28.591 và 26.080 vụ. Tuy nhiên, Singapore ghi nhận mức tăng trưởng số vụ lừa đảo tài chính cao, lên đến 406% so với cùng kỳ.

Thống kê vụ lừa đảo tài chính các quốc gia Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Kaspersky)
Đặc biệt, nhiều nạn nhân không chỉ chịu thiệt hại về tài chính mà còn bị cưỡng ép hoặc dụ dỗ làm việc trong các “công xưởng lừa đảo” tại những khu vực biên giới không được kiểm soát chặt chẽ để tham gia những hoạt động trực tuyến bất hợp pháp.
Báo cáo năm 2023 của Liên hợp quốc ước tính các hoạt động này đã thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Đại học Texas (Mỹ) cũng nhận định các tổ chức lừa đảo kiếm được khoảng 72 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2024.
Những “điểm nóng” lừa đảo tài chính của khu vực
Thị trấn Mae Sai (Chiang Rai, Thái Lan) thuộc miền Bắc Thái Lan, nằm ngay cạnh biên giới với Myanmar và Lào, thuộc khu vực Tam Giác Vàng, nơi có nhiều tổ chức tội phạm quốc tế hoạt động, bao gồm buôn ma túy, buôn người và lừa đảo tài chính. Mae Sai giáp với Tachileik (Myanmar), một trong những khu vực có sự kiểm soát lỏng lẻo, giúp các tổ chức tội phạm dễ dàng trốn tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.
Huyện Mae Sot ở tỉnh Tak (Thái Lan) cũng là tuyến đường trung chuyển của các tổ chức lừa đảo, thường xuyên có các hoạt động buôn người liên quan đến các “công xưởng lừa đảo”. Mae Sot là cửa khẩu quan trọng nối Thái Lan với Myanmar, được mệnh danh là “Cửa ngõ vào Đông Nam Á” do lượng hàng hóa và người qua lại rất lớn.
Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan gần đây xác nhận các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoạt động mạnh ở Tachileik, Myawaddy và Payathonzu là 3 khu vực ở Myanmar có thể nằm trong danh sách bị nước này cắt điện để ngăn chặn hoạt động lừa đảo tài chính.
Tachileik thuộc Bang Shan, Myanmar, từ lâu đã trở thành trung tâm của các tổ chức lừa đảo tài chính xuyên biên giới. Khu vực này được biết đến với sự hoạt động mạnh mẽ của các băng nhóm tội phạm quốc tế, chủ yếu nhắm vào nhà đầu tư trực tuyến, thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, forex giả mạo và mô hình Ponzi – hình thức lừa đảo tài chính, trong đó tiền của nhà đầu tư mới được dùng để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ, thay vì tạo ra lợi nhuận thực sự từ hoạt động kinh doanh hay đầu tư hợp pháp.
Myawaddy (bang Kayin, Myanmar), một trong những khu vực ghi nhận nhiều vụ lừa đảo lớn, liên quan đến các sàn giao dịch tài chính giả mạo. Myawaddy là khu vực biên giới giáp với huyện Mae Sot (tỉnh Tak, Thái Lan), nơi diễn ra nhiều hoạt động lừa đảo tài chính quy mô lớn. Các sàn giao dịch forex, tiền điện tử giả mạo do các băng nhóm tội phạm điều hành tại đây đã lừa hàng nghìn nhà đầu tư, hứa hẹn lợi nhuận cao để dụ dỗ nạn nhân nạp tiền, sau đó đánh sập hệ thống và chiếm đoạt tài sản.
The Irrawaddy cho biết, kể từ đầu tháng 7/2024, các băng nhóm lừa đảo trực tuyến đã chuyển hoạt động từ trung tâm tội phạm Shwe Kokko ở thị trấn Myawaddy sang các khu vực lân cận như Payathonzu, Falu, Kyauk Khet, Min Let Pan và Waw Lay, tất cả đều gần biên giới Thái Lan.
Theo người dân Payathonzu, các băng đảng đã di chuyển khỏi trung tâm tội phạm Shwe Kokko ở thị trấn Myawaddy và giá thuê nhà đã tăng gấp đôi. Một số băng đảng đã thuê đất từ các tổ chức vũ trang gần núi Dhamma Giri phía trên Payathonzu để điều hành sòng bạc.

Một biển báo yêu cầu người nước ngoài tham gia kinh doanh trực tuyến rời khỏi Myawaddy trước ngày 30/10/2024. Ảnh: The Irrawaddy
Campuchia từ lâu được biết đến là nơi tập trung nhiều tổ chức lừa đảo tài chính với các kịch bản quen thuộc nhưng vẫn khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy”.
Sihanoukville, một thành phố ven biển nổi tiếng của Campuchia, đã trở thành trung tâm hoạt động của hàng loạt sòng bạc trực tuyến và đường dây lừa đảo tài chính nhắm vào người nước ngoài. Từ năm 2016, khi Campuchia mở cửa thị trường cờ bạc trực tuyến, thành phố này thu hút lượng lớn các tổ chức tội phạm từ Trung Quốc và các nước khác đến hoạt động.
Khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia cũng là nơi nhiều tổ chức lừa đảo vận hành các “công xưởng scam”, lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của hàng chục nghìn nạn nhân.
Năm 2024, Lào cũng đã triệt phá thành công nhiều băng nhóm lừa đảo qua mạng trong đặc khu kinh tế Tam giác vàng, bắt giữ 771 đối tượng thuộc 15 quốc gia, theo Laophattana News.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Phillipines),… là nơi tập trung nhiều công ty tài chính, ngân hàng và tổ chức đầu tư, đồng thời cũng là địa bàn hoạt động mạnh của các tổ chức lừa đảo đầu tư đa cấp, tín dụng đen trực tuyến, sàn giao dịch tiền mã hóa và chứng khoán ảo giả mạo.
Chính phủ Malaysia đã đóng cửa hàng trăm công ty tài chính trá hình trong những năm gần đây, nhưng với sự thay đổi chiến thuật liên tục, các tổ chức lừa đảo vẫn tìm cách hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Các tổ chức lừa đảo ở Phillippines sử dụng nhân viên nói tiếng Anh giỏi để nhắm vào các nhà đầu tư quốc tế.
Singapore là trung tâm tài chính khu vực, tuy nhiên cũng là mục tiêu của nhiều tổ chức lừa đảo hoạt động xuyên quốc gia. Với sự phát triển của tài chính số, Singapore cũng đang đối mặt với làn sóng lừa đảo công nghệ cao, liên quan đến đầu tư tiền mã hóa, tín dụng giả và giả mạo ngân hàng, nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp.
Khu vực gần biên giới giữa các quốc gia là địa điểm thuận lợi cho những đối tượng thực hiện hoạt động lừa đảo, do vị trí dễ dàng di chuyển tiền và nhân lực giữa hai quốc gia. Nhất là khi hệ thống ngân hàng và thương mại điện tử phát triển, giúp hợp pháp hóa dòng tiền bất hợp pháp.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Người Việt mất 18.900 tỷ đồng vì bị lừa đảo trong năm 2024. Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Trong đó, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là mời gọi đầu tư.
Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao.
62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, tòa án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật.
60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.
Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng, để bảo vệ bản thân trước làn sóng lừa đảo tài chính, người dân nên kiểm tra kỹ thông tin trước khi đầu tư; cảnh giác với các tin nhắn, email đáng ngờ; không cung cấp thông tin cá nhân tùy tiện qua điện thoại; sử dụng phương pháp xác thực 2 lớp cho các tài khoản mạng; tránh xa các lời mời làm việc mập mờ và cập nhật kiến thức về an ninh mạng, đồng thời cảnh báo người thân, bạn bè về những hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.