Săn quỹ đất tại các tỉnh vùng ven TP.HCM để phát triển dự án thực sự là một hướng đi đúng và tốt cho doanh nghiệp địa ốc khi thị trường chính là TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc cấp phép dự án cũng như tạo cho các địa phương lân cận TP.HCM có một thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Những doanh nghiệp đã đột biến có những quỹ đất đẹp, rộng và tiềm năng nhưng cũng có những doanh nghiệp đã không thành công trong việc thâu tóm quỹ đất để phát triển dự án cho mình.
Việc Tập đoàn địa ốc Kim Oanh đang “sa lầy” ở dự án Khu đô thị Thương mại – Dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú) với diện tích 43ha tại TP Mới, tỉnh Bình Dương khi năm 2017 đã thâu tóm quỹ đất dự án này từ Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc để triển khai và bán dự án cho người dân theo diện dự án phân lô bán nền. Tuy nhiên, năm 2020, Thanh tra tỉnh Bình Dương thanh tra việc chuyển nhượng dự án này đã phát hiện việc mua bán dự án không đúng pháp luật, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của nhà nước… Kết quả giờ đây dự án bị thu hồi và chưa ngã ngũ. Còn Công ty Kim Oanh thì “sa lầy”, tiềm mất tật mang.
Năm 2017, Him Lam Land thâu tóm quỹ đất tại TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án đã được tỉnh cấp phép từ những năm 2010, khi đó quỹ đất này được cấp phép phát triển dự án chung cư với diện tích căn hộ lớn hơn 100m2/căn và ít tiện ích nhưng chủ đầu tư lại không thể triển khai dự án. Sau khi vào tay Him Lam Land với số tiền bỏ ra thâu tón lên tới gần 1.000 tỷ, doanh nghiệp này đã xin điều chỉnh thiết kế và diện tích căn hộ. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp không thể thay đổi được thiết kế căn hộ cho phù hợp với thị trưởng hiện tại, số vốn bỏ ra lớn, trong khi nguồn ngân sách mua quỹ đất này Him Lam Land phải vay ngân hàng, cuối cùng năm 2020 doanh nghiệp này đành chấp nhận thất bại và bán quỹ đất đi.
Năm 2019, Công ty CP Tập đoàn địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) trúng đấu giá khu đất tại Thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An với số tiền 300 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp này xin pháp lý và triển khai dự án bất động sản tại đây và đã bán hết cho khách hàng. Tuy nhiên, năm 2020, Thanh tra tỉnh Long An thanh tra lại việc đấu giá khu đất này, kết luận cuối cùng Cát Tường Group đã thực hiện đấu giá sai quy định của pháp luật trong việc đấu giá thành công quỹ đất này. Từ đó, Thanh tra tỉnh Long An yêu cầu dừng triển khai dự án này. Tới nay dự án vẫn chưa biết số phận sẽ ra sao.
Mới đây nhất, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho biết thông qua thương vụ M&A thâu tóm một khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), trong đó, đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội quy mô lên đến hơn 1.000 ha.
Một đại gia địa ốc khác là Công ty CP Bất động sản Phát Đạt đã thâu tóm một quỹ đất tại TP Mới tỉnh Bình Dương, sau khi thâu tóm quỹ đất rộng 3,2ha với số tiền thâu tón lên tới hơn 2.000 tỷ đồng này, Phát Đạt tiến hành phát triển dự án chung cư với số lượng căn hộ lên tới gần 5.000 căn. Tập đoàn Đất Xanh Group khi mà năm 2019 doanh nghiệp này trúng đấu giá một quỹ đất rộng 92ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vào thời điểm doanh nghiệp tham gia đấu giá quỹ đất này, Đất Xanh Group có trong tay hàng chục quỹ đất lớn tại TP.HCM nhưng không thể triển khai dự án mới bởi tắc nghẽn trong việc xin pháp lý dự án. Sau khi thâu toán thành công quỹ đất với số tiền bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng, giờ đây Đất Xanh Group đang có nguồn thu chủ yếu đến từ dự án này.
Thành công trong việc thâu tóm quỹ đất đến từ nhiều phía, trong đó ngoài may mắn chọn được quỹ đất còn đến từ hướng đi lựa chọn những quỹ đất nhỏ, vốn bỏ ra mua thấp và có pháp lý rõ ràng để triển khai ngay dự án, không bị ngâm vốn.
Cương Nguyễn