Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) cách trung tâm TPHCM khoảng 40km, cách Biên Hòa 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. “Cuộc chiến” nhà thầu ở sân bay Long Thành.
Sân bay được quy hoạch thuộc vị trí 6 xã của huyện Long Thành, Đồng Nai. Theo dự báo, đến năm 2025, khu vực TPHCM sẽ có khoảng 40 triệu hành khách thông qua, đến 2030 là khoảng 50 triệu. Dự án sân bay Long Thành được nghiên cứu, triển khai, nhằm mục đích giải quyết vấn đề quá tải và cũng để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự kiến khi hoàn thành, đi vào khai thác cuối năm 2025, sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 5 tỷ USD (tương ứng 110.000 tỷ đồng), gồm nhiều dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 22.000 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầy đủ.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối…
Dự án này được phê duyệt năm 2020 nhưng từng bị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc nhở vì chậm tiến độ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban ngành hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho dự án nhà ga sân bay Long Thành để khởi công ngay trong tháng 8 này.
Dự án được chia làm nhiều gói thầu, trong đó gói thầu lớn nhất là thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (gói thầu 5.10, giá trị khoảng 35.000 tỷ đồng). Cho đến nay, việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho dự án vẫn đang được thực hiện và đi đến giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu đang vướng các lùm xùm.
Gói thầu 35.000 tỷ đồng từng được mở thầu lần 1 vào ngày 22/9/2022 nhưng không thành công. Khi đó, chỉ 1 liên danh nhà thầu gồm các doanh nghiệp trong nước tham gia nộp hồ sơ dự thầu, gồm Coteccons, Vinaconex, Hòa Bình, Central, Phục Hưng Holdings, Cơ Điện lạnh (REE), Hawee, Delta. Cuối năm 2022, ACV hủy thầu lần 1 do liên danh dự thầu không đáp ứng được yêu cầu.
Đến 19/1/2023, ACV mời thầu lần 2. Tuy nhiên 2 tháng sau, ACV ra thông báo kéo dài thời gian thi công gói thầu từ 33 tháng lên 39 tháng, gia hạn mở thầu để thu hút thêm các nhà thầu có năng lực. Đến 12/6, ACV mở hồ sơ dự thầu. 3 liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu, lúc này mỗi liên danh đều có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đầu tiên là Liên danh do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG).
Thứ hai là Liên danh Hoa Lư do 7 nhà thầu trong nước và một nhà thầu Thái Lan cùng hợp sức. Các thành viên trong liên danh là Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Trong đó, Coteccons đứng đầu liên danh.
Liên danh thứ 3 là Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu. Các nhà thầu thành viên trong liên danh này là những đơn vị trong nước, như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP.
Trong đó, Ricons, Newtecons và SOL E&C cùng trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương – cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons. Còn Vinaconex đã được ghi nhận về kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp, từng thi công gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài – Huế (giá trị hơn 2.250 tỷ đồng).
Khi các bên còn đang tham gia vòng chấm thầu kỹ thuật thì Ricons (thuộc Liên danh Vietur) và Coteccons (thuộc Liên danh Hoa Lư) tố nhau.
Ricons cho rằng Coteccons nợ một khoản tiền nhiều năm không trả nên đệ đơn ra tòa, yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản. Còn phía Coteccons thì cho rằng 2 bên có phát sinh công nợ, nhưng đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
Trước khi xảy ra tranh chấp này, Ricons và Coteccons từng có nhiều năm thuộc hệ sinh thái Coteccons Group do cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương điều hành. Đến năm 2019, Ricons tuyên bố rút khỏi hệ sinh thái và hoạt động độc lập. Những thành viên lãnh đạo cấp cao hiện thời của Ricons cũng từng là lãnh đạo cấp cao của Coteccons.
Sau vụ việc này, đầu tháng 8, thị trường rò rỉ thông tin ACV ra thông báo chỉ có duy nhất một nhà thầu là Liên danh Vietur lọt qua vòng kỹ thuật của cuộc đấu thầu gói 5.10. Lãnh đạo một doanh nghiệp trong Liên danh Hoa Lư cũng xác nhận văn bản này.
Ngay sau đó, Liên danh Hoa Lư đã gửi đơn khiếu nại tới nhiều cấp, ban ngành. Liên danh đưa ra nhiều bằng chứng nhằm chứng minh ý kiến của mình về việc doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên danh Vietur không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để trúng thầu.
ACV sau đó có phản hồi việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật được thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Đồng thời, ACV “nhắc” liên danh Hoa Lư tuân thủ quy định về đấu thầu, khi đơn kiến nghị được gửi đến nhiều cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý là chưa phù hợp.
ACV cũng khẳng định gói thầu đang trong quá trình xét thầu, các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tổng Hợp
(Dân Trí)