Bà Hồ Thị Thùy Dương – người tố mất 46,9 tỷ đồng tại Phòng giao dịch (PGD) Sacombank Cam Ranh – cho biết vẫn chưa nhận được khoản tiền mà bà đã có văn bản đề nghị gửi ngân hàng trước đó.
Cụ thể, vào ngày 17/3, bà Dương có văn bản đề nghị rút 25 tỷ đồng về tài khoản cá nhân vào ngày 21/3. Đối với 21,9 tỷ đồng còn lại, nữ khách hàng này yêu cầu mở một sổ tiết kiệm 4 tháng, hết kỳ hạn sẽ rút cả gốc lẫn lãi.
Theo một lãnh đạo Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, văn bản bà Dương gửi đã được lãnh đạo chi nhánh tiếp nhận.
“Mặc dù đã qua thời hạn trong đơn đề nghị nhưng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ phía ngân hàng Sacombank cả, tôi cố gắng liên lạc nhưng bất thành. Giờ tôi cũng không biết làm sao”, bà Dương nói.
Nữ khách hàng này cho biết sẽ tiếp tục có đơn kêu cứu lên cấp cao hơn.
Trao đổi về đề nghị rút 25 tỷ đồng của bà Dương, đại diện truyền thông của Sacombank cho biết sẽ phản hồi sau. “Chúng tôi ghi nhận các câu hỏi của anh và sẽ thông tin cùng những phản hồi khác khi phù hợp” – đại diện truyền thông của Sacombank phản hồi với Dân trí về nội dung đề nghị rút 25 tỷ đồng của bà Dương.
Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, cho hay toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc của bà Dương đã được chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thụ lý. “Khi nào Cơ quan cảnh sát điều tra công bố kết quả điều tra thì mới có hướng xử lý” – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh Hòa thông tin.
Trao đổi trước đó, ông Thảo cũng cho biết tại PGD Cam Ranh có thực trạng một số khách hàng mất tiền gửi. Trong sự vụ này có 2 nhóm khách hàng, một là các giao dịch thiếu chữ ký của khách hàng và một nhóm đủ chữ ký của 2 bên (ngân hàng và khách hàng – PV).
“Đối với nhóm thiếu chữ ký là lỗi của ngân hàng, chúng tôi đã chỉ đạo chi trả hơn 33 tỷ đồng cho những người này, nhóm còn lại đã được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, vì rõ ràng đầy đủ chữ ký là giao dịch hợp lệ” – ông Thảo nói.
Như Dân trí đã thông tin, bà Hồ Thị Thùy Dương có đơn kêu cứu vì chưa được Sacombank giải quyết số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản mở tại PGD Sacombank Cam Ranh bị biến mất.
Theo bà này, sự việc xảy ra vào tháng 5/2022. Tổng cộng có 12 giao dịch, 9 lần rút tiền mặt và 3 lần chuyển khoản. Các giao dịch này có nhiều bất thường như rút tiền vào thời gian ngoài giờ hành chính, không biết tài khoản nhận.
Thông cáo phát đi của Sacombank cho rằng thông tin bà Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc. Bên cạnh đó, theo ngân hàng, đối với 12 giao dịch mà bà Dương nói mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi.
Ngân hàng khẳng định sẽ không thoái thác trách nhiệm với bà Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại PGD Cam Ranh.
Nói về nội dung 12 chữ ký, bà Dương cho rằng mình bị “gài” khi thực hiện ký vay đáo hạn 5 tỷ đồng tại PGD Cam Ranh. Bên cạnh đó, nữ khách hàng này còn cho rằng đã đề nghị phía Sacombank đưa ra các hình ảnh chứng minh bản thân bà thực hiện giao dịch tại ngân hàng, nhưng chưa được ngân hàng chấp nhận.
Tháng 5/2022, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, tài khoản của bà Dương có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Dương. Vậy, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm của ngân hàng trong vụ việc trên sẽ như thế nào?
Nói về trách nhiệm của Sacombank đối với thiệt hại do người lao động thuộc quản lý của pháp nhân gây ra, luật sư Phạm Quang Xá nhìn nhận, nếu cán bộ ngân hàng lấy danh nghĩa Sacombank để rút tiền thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân, căn cứ Điều 87, BLDS 2015.
Theo quy định này, nếu các cán bộ nhân danh Sacombank để rút tiền thì ngân hàng có nghĩa vụ trả tiền cho khách. Luật sư cho biết khách hàng có quyền, nghĩa vụ ký hợp đồng với ngân hàng thông qua người đại diện hoặc người có đủ năng lực thay mặt ngân hàng, còn ngân hàng có trách nhiệm phải quản lý nhân viên. Do đó, trách nhiệm sẽ thuộc về ngân hàng nếu nhân viên, cán bộ lấy danh nghĩa của ngân hàng để ký kết các hợp đồng.
Ngoài ra, cũng cần xem xét thẩm quyền ký hợp đồng tín dụng của các cán bộ, nhân viên thuộc Sacombank Cam Ranh. Nếu họ không có đủ thẩm quyền để nhân danh ngân hàng tham gia ký kết hợp đồng thì hợp đồng đó bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận.
Luật sư Phạm Quang Xá cũng cho biết, nếu các cán bộ thực hiện việc rút tiền dưới danh nghĩa cá nhân thì theo khoản 2 Điều 87, BLDS 2015, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người đó xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu các cán bộ, nhân viên thực hiện rút tiền không nhân danh pháp nhân thì Sacombank sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ, bồi thường thay cho những người lao động do mình quản lý.
Như vậy, luật sư Phạm Quang Xá nhìn nhận yếu tố quyết định xác định trách nhiệm của Sacombank là tư cách của các cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh khi thực hiện rút tiền. Cần làm rõ việc họ rút tiền dưới tư cách của pháp nhân hay cá nhân, từ đó xác định trách nhiệm của ngân hàng.
Về việc Sacombank đang chờ ý kiến từ phía CA để có hướng giải quyết, luật sư Phạm Quang Xá đánh giá, đây là cách xử lý chưa hợp tình hợp lý. Bởi lẽ, trong quá trình gửi tiền, ngân hàng có trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng. Nếu xảy ra sự cố hay mất mát, ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả khách hàng số tiền đó.
Tổng Hợp
(Dân Trí, PL&XH)