Các chỉ tiêu tài chính đều lành mạnh, vay nợ rất thấp, doanh thu, lợi nhuận không diễn biến tiêu cực dù chịu nhiều yếu tố bất lợi, việc cổ phiếu SAB liên tục suy giảm là một dấu hỏi lớn đối với nhà đầu tư.
Với thanh khoản rất thấp và tỷ lệ sở hữu cô đặc, sẽ không mất nhiều chi phí và công sức để “đỡ giá” SAB. Việc để giá cổ phiếu liên tục rơi sâu chắc hẳn không chỉ phản ánh đơn thuần cung – cầu của thị trường.
Thaibev hiện chỉ mới sở hữu giá bán Sabeco, vẫn chưa đủ tỷ lệ phủ quyết 65%. Cuối năm ngoái, Heineken nhiều khả năng đã hoàn tất bán gần 4% cổ phần Sabeco qua phương thức thoả thuận trên sàn. Thaibev được cho là bên có động lực nhất để gom số cổ phần này. Dù vậy, nhìn vào tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện chỉ ngót 63%, nếu muốn thực sự chi phối Sabeco, nhà đầu tư Thái sẽ chỉ có thể mua lại cổ phần từ SCIC, với hai phương thức, nhận chuyển nhượng trên sàn hoặc đấu giá công khai tương tự cuối năm 2017. Với hình thức nào, thì một nền giá cổ phiếu thấp sẽ có lợi hơn cho nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần Sabeco từ SCIC.
Cũng có ý kiến cho rằng chỉ số thị giá chia lãi cơ bản trên cổ phiếu (P/E) của Sabeco hiện quá cao, trên mức 20, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành làm ăn cũng rất hiệu quả, là BHN (17,4), SMB (7,42), WSB (6,09). Dù vậy, nên biết vào thời điểm Thaibev chi gần 5 tỷ USD để mua chi phối thì Sabeco được định giá với P/E lên tới 40 lần. Ở thương vụ nhiều tỷ đô và với một ông lớn hàng đầu Thái Lan, sẽ là thiên kiến nếu nhận định Thaibev đã “hớ” khi đánh giá quá cao Sabeco. Tỷ lệ sở hữu của Sabeco rất cô đặc, với 36% thuộc SCIC và 62,91% sở hữu nước ngoài (gồm 53,59% của Thaibev), tổng cộng là 98,91%, đồng nghĩa với việc chỉ còn hơn 1% cổ phần sở hữu bởi nhà đầu tư trong nước.
Lịch sử huy hoàng của cổ phiếu SAB (Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) là thời điểm đầu tháng 12/2017, SAB đạt đỉnh mức giá có lúc lên đến 323.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường. Thậm chí SAB còn có thể xoay chuyển cả VN-Index chỉ với 10 cổ. Đây chính là thời điểm tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD thông qua công ty con để mua vào 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, nắm giữ tỉ lệ 53,59% cổ phần tại Sabeco. Ngay sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu SAB đã quay đầu giảm. Đến phiên giao dịch đầu năm 2018, SAB rơi xuống còn 235.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 27% so với lúc tỷ phú Thái Lan mua vào. Cuối tháng 1/2021, cổ phiếu SAB không còn được dòng tiền chú ý nhiều như trước. Tuy nhiên có một sự thật là thanh khoản trước nay của SAB là rất thấp, chỉ một đôi trăm nghìn đơn vị, thậm chí có phiên chỉ vài chục nghìn cổ phiếu được mua bán.
Với giá trị vốn hoá có thời điểm lên tới 200.000 tỷ đồng, SAB là một trong những cổ phiếu dễ bị thao túng nhất, ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số VN30, VN-Index, qua đó tác động tới thị trường phái sinh. Không thiếu những phiên SAB đang giao dịch ở mức tham chiếu thì đến ATC bị giật trần hoặc kéo sàn, chỉ với vài chục nghìn cổ phiếu kê mua/ bán.
Từng là những mã bluechip được giới đầu tư ưa chuộng nhờ năng lực tài chính, cũng như tiềm năng tăng trưởng, song cổ phiếu Sabeco hiện tại đang trong xu hướng suy giảm bất chấp chỉ số VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Kiên Cương