Lượng “tiền tươi” của các nhà đầu tư mới ngày càng gia tăng, cân đối hơn với dòng tiền margin so với giai đoạn trước, giúp thị trường nhanh chóng hồi phục sau khi rung lắc, liệu có dẫn tới rủi ro?
Các nhà đầu tư “lên tàu” trong tuần qua được cho là sẽ có lợi thế, vì tuần này dự kiến các công ty chứng khoán mở lại margin nên thị trường dễ có sự bùng nổ theo đà. Đó là chưa kể, thông tin trên thị trường cho biết, một số công ty chứng khoán sẽ đưa ra các gói margin với lãi suất ưu đãi. Các nhà đầu tư mới, với đặc tính giao dịch nhiều, tốc độ luân chuyển vốn nhanh, cộng thêm chất lượng môi giới có sự cải thiện nên việc nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến thị trường giúp họ không còn bỡ ngỡ trong những phiên cắt giảm margin của công ty chứng khoán.
Thực tế, động thái hạ margin để tăng cường quản trị rủi ro của công ty chứng khoán xảy ra khá thường xuyên từ năm 2020 đến nay, vì lượng nhà đầu tư gia nhập quá lớn, dẫn đến nhu cầu margin tăng mạnh so với tốc độ tăng khả năng đáp ứng của một số công ty. Thị trường có những phiên điều chỉnh vì yếu tố hạ margin, nhưng qua đi rất nhanh.
Vận động tự nhiên trên thị trường luôn có 3 dòng tiền dung hoà lẫn nhau là tiền mặt của nhà đầu tư, dòng tiền margin từ công ty chứng khoán và dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại có động thái bán ròng kéo dài, nhưng thị trường không giảm điểm, nhờ có lượng tiền mặt dồi dào của nhà đầu tư trong nước “cân hết”. Điều này khác hẳn vài năm trước đó, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân bị “lép vế” nên động thái bán ra của khối ngoại, hay tăng áp lực cung từ việc xử lý margin của công ty chứng khoán có tác động lớn đến thị trường, thậm chí tạo ra tình huống bán tháo diện rộng, chỉ số giảm sâu.
Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của hơn 70 công ty chứng khoán cho thấy, tính đến 30/9/2021, tổng dư nợ đạt trên 154.000 tỷ đồng (chủ yếu là dư nợ cho vay margin, phần nhỏ là tạm ứng), tăng hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 10% so với cuối quý II và tăng 63.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 68% so với cuối năm 2020. Đây là mức dư nợ cao kỷ lục trong lịch sử của thị trường.
Tỷ lệ dư nợ margin so với vốn hóa toàn thị trường hiện cao hơn so với mức bình quân 2% những năm trước đó, nhưng lượng tiền đầu tư chực chờ có khả năng hấp thu tốt áp lực margin. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường được cải thiện nên số lượng mã chứng khoán được cấp margin mở rộng hơn. Vì vậy, margin gây ra áp lực đối với thị trường và tâm lý nhà đầu tư, nhưng chủ yếu diễn ra ở một số mã tăng nóng, chứ chưa ảnh hưởng nhiều đến tổng thể, xu hướng chung của thị trường.
Trong khi đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của hơn 70 công ty chứng khoán tính đến 30/9/2021 là 111.199 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2020 (tăng khoảng 92.216 tỷ đồng). Với tổng vốn chủ sở hữu này, các công ty chứng khoán có khả năng cho vay hơn 222.000 tỷ đồng, cho thấy dư địa cho vay vẫn còn trên 68.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán (lượng tiền mặt nằm sẵn trong tài khoản chứng khoán) có tốc độ tăng không kém, đạt khoảng 92.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng sau 1 quý, cũng là mức cao lịch sử.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng mở tài khoản mới bùng nổ trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt gần 1 triệu, gấp gần 3 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Riêng tháng 9/2021, số lượng tài khoản mở mới duy trì ở mức cao, hơn 114.000 tài khoản. Đây là tháng có số lượng mở tài khoản cao thứ 3 trong lịch sử.
Thị trường tuần qua có 2 thái cực cảm xúc rõ ràng. Đầu tuần, với sự cảnh báo từ các môi giới về khả năng “siết” margin cuối tháng 10, sau đó sẽ mở lại từ đầu tháng 11, nên tâm lý chung của nhà đầu tư là e dè, nhưng cũng sẵn sàng chờ đón cơ hội nếu các phiên rung lắc mạnh xuất hiện. Nhờ phiên giao dịch bùng nổ ngày 27/10, đưa VN-Index vượt đỉnh thuyết phục, nên nửa cuối tuần, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được gỡ bỏ, giúp chỉ số tiếp tục tăng điểm.
Tĩnh Kiên
(Tổng Kiên)