Đánh giá về yếu tố có ảnh hưởng lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam, là động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Minh cho rằng, năm 2023, rủi ro này đã tạm giảm bớt, khi lãi suất USD không còn tăng ngược lên, mà “đi thoai thoải, có sườn hơn”.
Ghi nhận ý kiến nhiều thành viên thị trường cho thấy, sau các lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, dòng tiền mới lại chảy thêm vào thị trường, góp phần đẩy thanh khoản cũng như mặt bằng giá cổ phiếu lên cao.
Từ góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lãi suất hiện nay chưa quay về mức “rẻ” như giai đoạn đại dịch Covid-19 và tiền không còn “rủng rỉnh”, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng không dễ. Tuy vậy, vì sức cầu đang yếu, nhiều doanh nghiệp chưa triển khai các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh đã tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư tài chính, góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua.
“Dòng tiền lúc này có sức ép về đầu tư nhiều hơn, do gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp. Trong khi các kênh đầu tư khác bế tắc, chỉ còn kênh cổ phiếu”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, sức ép đầu tư đang kích thích dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và dĩ nhiên, thị trường chứng khoán là câu chuyện kỳ vọng, còn bức tranh cơ bản hiện tại của doanh nghiệp ai cũng thấy rõ là còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đánh giá về yếu tố có ảnh hưởng lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam, là động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Minh cho rằng, năm 2023, rủi ro này đã tạm giảm bớt, khi lãi suất USD không còn tăng ngược lên, mà “đi thoai thoải, có sườn hơn”. Giới đầu tư kỳ vọng rằng từ nay tới cuối năm, Fed chỉ còn một đợt tăng lãi suất và đây là lý do giúp thị trường chứng khoán đi lên. Bên cạnh đó, ở trong nước, rủi ro vỡ nợ trái phiếu bất động sản có xác suất thấp, giai đoạn khó khăn nhất của ngành này đã qua cũng hỗ trợ tốt cho tâm lý nhà đầu tư.
Về cơ hội, thường nhà đầu tư sẽ nhìn chênh lệch lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 – 12 tháng so với mức E/P (thu nhập trên giá) của cổ phiếu, khoảng cách càng tăng lên thì độ hấp dẫn của cổ phiếu càng giảm, khi ở mức thấp thì độ hấp dẫn cao. Hiện lãi suất huy động vẫn còn dư địa giảm tiếp và khả năng EPS của các doanh nghiệp sẽ tăng lên vì bức tranh thị trường đang cho thấy nhiều khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hồi phục tốt hơn nửa đầu năm. Theo đó, dù nền kinh tế chưa thể hồi phục về giai đoạn trước đại dịch nhưng trước mắt, sự chênh lệch này cho thấy định giá thị trường vẫn đang hấp dẫn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Về rủi ro, theo ông Minh, rủi ro kinh tế đang giảm dần. Còn với rủi ro từ thị trường, nhà đầu tư thường nhìn chỉ số dư nợ cho vay ký quỹ trên vốn hoá thị trường để đánh giá, nhưng năm nay, nhìn như vậy là chưa toàn diện. Vì vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã tăng lên rất nhiều, tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán vẫn chưa quay lại đỉnh, đồng nghĩa dư địa để cung cấp thêm nguồn margin cho thị trường vẫn còn.
Theo ông Minh, giai đoạn này có đặc điểm cần lưu ý, đó là cơ cấu cho vay trong danh mục margin của các công ty chứng khoán đã an toàn hơn, ưu tiên cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán… Lượng margin cho nhóm cổ phiếu bất động sản trước đây chiếm khoảng 40 – 45% tổng dư nợ margin công ty chứng khoán thì hiện nay đã giảm phân nửa. Theo đó, danh mục cho vay hiện nay không rủi ro nhiều, nên không sợ tình trạng “tăng sốc, giảm sâu”, mất thanh khoản như năm 2022.
Trong điều kiện nền kinh tế bình thường, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nếu chưa “bung” hết thì nửa cuối năm sẽ được đẩy mạnh. Các ngân hàng cũng mong muốn đạt mục tiêu này, nhưng năm nay có vẻ hơi khó.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment bank nhận định, đến ngày 20/8/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt khoảng 4,8% so với đầu năm là do sức cầu vốn đang yếu và lãi suất còn cao. Đến tháng 10, may ra lãi suất mới hạ thêm, nhu cầu vay mới có thể cải thiện.
“Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng 8 tháng, trong 4 tháng cuối năm cố lắm thì cả năm mới tăng trưởng được 12 – 13%”, ông Thành nêu quan điểm.
Chính phủ vẫn đang quyết liệt đẩy nhanh đầu tư công, ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế – những điều này thị trường chứng khoán đã phản ánh, nhịp tăng vài tháng qua khá tốt, thanh khoản cũng rất tốt. Theo ông Thành, thanh khoản vẫn còn dư địa tăng nhờ margin chưa căng hết sức, nền kinh tế hồi phục tốt thì nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc dùng đòn bẩy. Nếu thanh khoản tiếp tục giữ mức quanh 1 – 1,2 tỷ USD như hiện nay, cộng thêm sự “hưng phấn” để dùng margin, VN-Index có thể quanh ngưỡng 1.280 -1.300 điểm.
Nhận định được ông Thành đưa ra, chính sách tiền tệ vẫn sẽ giữ trạng thái như hiện nay, lãi suất điều hành có thể không giảm, nhưng lãi suất thực tế (huy động, cho vay) có thể giảm tiếp. Trong đó, lãi suất huy động có thể giảm 0,3%/năm từ mặt bằng chung, lãi suất cho vay có thể giảm hơn 1%/năm (vì tốc độ giảm đang chậm hơn so với lãi suất huy động). Đây chính là yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản thị trường vẫn có thể giữ ở mức như hiện nay.
Theo ông Thành, dòng tiền cá nhân đang được đánh giá ở mức rất tốt, khó có dư địa đột biến. Còn dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, thanh khoản tốt và gắn với câu chuyện nội tại, dựa trên cơ cấu dân số vàng của Việt Nam hơn là “câu chuyện nước ngoài” như dầu khí và lương thực.
Ông Thành đánh giá cao cơ hội với 3 ngành đang ở trạng thái giá chạy nhưng phục hồi chậm hơn các ngành khác, định giá vẫn mức thấp là ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Ba ngành trên có dư địa tăng trưởng và gắn với “câu chuyện Việt Nam”. Năm 2024, nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm nhưng thị trường Việt Nam bước vào chu kỳ phục hồi tốt nhờ các chính sách của Chính phủ phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng hồi phục, nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển hướng phân tích.
Tổng Hợp
(ĐTCK)