Có thể nói không ngoa, hầu như dân đầu cơ đất “có số má” ở mọi miền đất nước đều có mặt ở Phú Quốc. Rất nhiều diện tích đất do nhà nước quản lý đã trở thành món hàng sang tay kiếm lời tiền tỉ của dân buôn.
UBND TP Phú Quốc tiếp tục kháng cáo với 2 bản án trên nhưng qua vụ việc này, một lần nữa cho thấy việc xử lý các công trình xây dựng không phép rất khó khăn, phức tạp. Ra quyết định sai có thể khắc phục, sửa chữa nhưng “di chứng” để lại không nhỏ trong bối cảnh Phú Quốc trong một thời gian dài là điểm nóng của vấn đề tranh chấp đất đai, xây dựng không phép.
Sự phát triển nhanh chóng của vùng đất được gọi tên là Đảo Ngọc đã kéo theo hàng loạt vấn đề cần phải xử lý. Trong đó, đáng nói nhất là nạn bao chiếm đất đai trái phép, tùy tiện xây dựng để đầu cơ địa ốc.
Có thể nói không ngoa, hầu như dân đầu cơ đất “có số má” ở mọi miền đất nước đều có mặt ở Phú Quốc. Rất nhiều diện tích đất do nhà nước quản lý đã trở thành món hàng sang tay kiếm lời tiền tỉ của dân buôn.
79 căn biệt thự xây trái phép chỉ là phần nhỏ của thực trạng nhưng việc xử lý rất chậm chạp và ngay khi xử lý 2 căn đầu tiên đã phải đưa nhau ra tòa. Nhưng phiên tòa này không thay đổi bản chất của vấn đề là những mảnh đất này đã thoát khỏi sự quản lý của chính quyền địa phương một cách rất khó hiểu và bị phân lô sang tay mà không ai can thiệp kịp thời.
Đây là vụ việc điển hình và các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo phải giải quyết triệt để. Phiên tòa trên như một kinh nghiệm trong thực thi chức trách và là một phép thử để cơ quan chức năng địa phương thực hiện được quyết tâm dẹp nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép hay không.
Mô típ về xây dựng trái phép, không phép ở Phú Quốc cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác. Điển hình như ở huyện Sóc Sơn, theo kết luận từ năm 2019 của Thanh tra TP Hà Nội, nơi đây có đến 3.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Hàng trăm biệt thự, homestay… đồ sộ mọc lên trên đất rừng phòng hộ nhưng chính quyền địa phương dường như vô can. Thật phi lý khi những vi phạm này nằm ngay dưới mắt của các cơ quan chức năng về đất đai, xây dựng của địa phương.
Sai phạm là thế nhưng từ đó đến nay địa phương chỉ cưỡng chế được vài căn nhà nhỏ lẻ tẻ. Không cưỡng chế được hàng trăm những căn biệt thự vi phạm thì quyết tâm lập lại trật tự xây dựng sẽ thực hiện như thế nào?
Sự yếu kém trong quản lý đất đai đã và đang làm thất thoát tài nguyên quốc gia. Nó cho thấy sự lũng đoạn của những kẻ cơ hội vào cơ quan quản lý địa phương và có cả sự tiếp tay của không ít cán bộ biến chất. Pháp luật về đất đai, xây dựng đã khá đầy đủ.
Các cơ quan thanh tra, quản lý chuyên ngành cũng được thiết lập từ trung ương đến địa phương, thậm chí đến cấp xã. Phải xem đây là một cuộc chiến giành lại tài nguyên, thiết lập kỷ cương về đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
Tổng Hợp
(Người Lao Động)