Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại ngân hàng BIDV là 800 tỷ đồng, chưa đến 30% giá trị tổng dư nợ.
Cuối tháng 5 tới, khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn cùng 95 khách hàng cá nhân tại ngân hàng BIDV tiếp tục được bán đấu giá. Đây là khoản nợ của doanh nghiệp và các cá nhân liên quan đến nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là “bông hồng vàng” Phú Yên.
Khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại BIDV tại thời điểm 7/4 hơn 460 tỷ đồng bao gồm 230 tỷ nợ gốc và 230 tỷ tiền lãi. Tổng dư nợ của 95 khách hàng cá nhân liên quan là gần 2.300 tỷ đồng bao gồm 1.000 tỷ nợ gốc và 1.300 tỷ tiền lãi.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm nhiều bất động sản ở TP.HCM, trong đó có văn phòng của Thuận Thảo Nam Sài Gòn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1 trên diện tích đất 275 m2, hai khu đất tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh rộng tổng cộng 22 ha.
Ngoài ra, 5,2 triệu cổ phiếu công ty Thuận Thảo (mã chứng khoán GTT) của bà Võ Thị Thanh cũng nằm trong nhóm tài sản bảo đảm. Khối cổ phần trên của bà Thanh hiện có giá trị khoảng 1 tỷ đồng tính theo giá cổ phiếu rất thấp chỉ 200 đồng của Thuận Thảo trên sàn UPCoM.
Giá khởi điểm khoản nợ được đơn vị tổ chức đấu giá lần này đưa ra là 800 tỷ đồng, chưa đến 30% tổng giá trị khoản nợ hơn 2.700 tỷ. Thời gian đăng ký tham gia đấu giá đến hết ngày 25/5.
Đây không phải là lần đầu tiên khoản nợ trên được đem ra đấu giá. Tháng 8/2018, khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân liên quan tại BIDV được rao bán với giá khởi điểm 1.200 tỷ nhưng không thành. Sau đó, khoản nợ này được hạ giá tuy nhiên vẫn chưa có người mua.
Tháng trước, khách sạn 5 sao cao nhất Phú Yên Cendeluxe cùng một số tài sản khác từng thuộc sở hữu của Thuận Thảo cũng được rao bán với mức khởi điểm 340 tỷ đồng. Các tài sản này từng được đấu giá vào năm 2019 nhưng không thành công.
Thuận Thảo là thương hiệu nổi tiếng một thời trong lĩnh vực vận tải ở khu vực phía nam nhưng bắt đầu gặp khó từ khi lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản.
Năm 2019, công ty của bà Võ Thị Thanh đạt doanh thu 24 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế tới 166 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp Phú Yên báo lỗ. Đến cuối 2019, lỗ sau thuế chưa phân phối của Thuận Thảo lên tới hơn 1.400 tỷ đồng.
Những nguyên nhân khiến Thuận Thảo thua lỗ theo ban lãnh đạo bao gồm các tài sản đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp trong khi công ty khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn đầu tư nâng cấp, bổ sung; không thu hồi được công nợ từ những năm trước; không còn vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế, ngân hàng; tái cấu trúc không hiệu quả.