UBND TP HCM vừa giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc TP rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông. Bên cạnh đó có ý tưởng để phát triển ven sông…
Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp trên nền tảng các thông tin quản lý ngành, chương trình phát triển du lịch, quản lý nông nghiệp, công nghiệp và các đồ án quy hoạch… để đồng bộ các chủ trương, phương án kết nối, đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch- Kiến trúc tổng hợp dữ liệu từ các ngành để nghiên cứu đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển xây dựng hạ tầng xanh, cập nhật các định hướng giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả giá trị quỹ đất dọc bờ sông.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Sở Quy hoạch – Kiến trúc là xem xét góp ý điều chỉnh quyết định 22 năm 2017 của UBND TP HCM về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng đảm bảo phù hợp thực tiễn quản lý xây dựng.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, kết nối giao thông, đề xuất lộ trình phát triển áp dụng vào nghiên cứu công tác lập quy hoạch chung thành phố.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP báo cáo tiến độ, kết quả các công việc nêu trên về UBND TP HCM trước ngày 20-12. Trong đó, kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận tích hợp các nội dung liên quan của đề án “phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP HCM, giai đoạn 2020-2045” vào công tác lập đồ án quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Sở hữu mạng lưới dày đặc đường sông, kênh, rạch phân bố trên toàn địa bàn, trải dài từ đông sang tây, nam đến bắc, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển giao thông thủy, du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị xanh gắn với sông nước. Thế nhưng, thực tế, các địa phương nơi đây không những chưa thể khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào này, mà những bất cập trong quy hoạch đang dần biến những dòng kênh, con sông này trở thành điểm nghẽn để khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông.
Chỉ tính riêng sông Sài Gòn đã có tổng chiều dài khoảng 256 km khi chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Con sông này đi qua TP Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 80 km, bề rộng từ 225-370 m, độ sâu tối đa khoảng 20 m, diện tích lưu vực hơn 5.000 km². Theo hướng Bắc-Nam, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn hai huyện, năm quận và TP Thủ Đức, gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn; quận 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 1, quận 4 và quận 7.
Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh hiện chưa thiết lập được nhiều hệ thống tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nên chưa khai thác được hiệu quả lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch. Việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều trở ngại về kinh phí, quy trình, thủ tục và thiếu cơ chế phối hợp giữa khu vực quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội dẫn đến tài nguyên về sông nước vẫn còn chưa được đánh thức.
Được biết, sông Sài Gòn được chia thành hai vùng, gồm: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung-hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn-sông Soài Rạp-quận 7). Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn-khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Từ năm 2025 đến năm 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch dọc sông…
Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của Thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, Thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị.
Tổng Hợp