Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Công văn số 438/BTC-VP ngày 12/1/2022 gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị ngành công an phối hợp các cục thuế để điều tra, xử lý việc trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mua bán nhà hai giá, kê khai giá trong hợp đồng mua bán thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế là việc có sự chênh lệch đáng kể giữa giá nhà đất theo bảng và khung giá đất do Nhà nước quy định và giá thị trường.
Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, chỉ có việc mua bán nhà đất tại các dự án BĐS được đầu tư theo quy định thì được giao dịch qua ngân hàng còn hầu như việc mua bán nhà đất nhỏ lẻ vẫn dùng phương thức thanh toán tiền mặt.
Trước đó không lâu, vào ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ký Công văn số 14257/BTC-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Vào tháng 7/2021, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu tập trung thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh bất động sản gửi đến cơ quan thuế.
Trong thực tế, việc lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật khi kê khai giá trong hợp đồng mua bán bất động sản thấp thấp hơn nhiều giá giao dịch nhằm “né” thuế đã được các địa phương nhận biết và có những động thái nhằm ngăn chặn.
Vào tháng 7/2021, Cục Thuế Hà Nội đã có văn bản cảnh báo các tổ chức kinh tế hộ gia đình, cá nhân về tình trạng kê khai sai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán nhằm “trục lợi”.
Tại văn bản trên Cục Thuế Hà Nội đã khẳng định việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế nhằm mục tiêu giảm số thuế phải nộp, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Vào năm 2020, tại TP.HCM, Cơ quan điều tra Công an quận 10 cũng đã tiến hành các bước xử lý việc trốn thuế của một số cá nhân chuyển nhượng tại dự án căn hộ Hado Centrosa Garden (quận 10). Được biết, chủ đầu tư bán căn hộ với giá 5 tỷ đồng vào năm 2017 nhưng hợp đồng bán lại căn hộ ghi giá chuyển nhượng chỉ 1 tỷ đồng.
Những động thái liên tục trên cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý thuế trong việc siết chặt, tiến tới giảm thiểu và chấm dứt việc mua bán nhà hai giá để tránh thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù rất cần thiết tuy nhiên, để có thể thực hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra thì không chỉ cần có quyết tâm của các cơ quản lý chuyên ngành mà điều quan trọng là phải giải quyết được những điểm nghẽn cố hữu.
Thời gian qua, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thị trường bất động sản vẫn sôi động, giao dịch tăng mạnh, các cơ quan chức năng đã liên tục có những động thái cho thấy quyết tâm siết chặt quản lý, chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Tổng Hợp