Báo cáo mới đây của Savills về mảng M&A cho hay, trong quý III/2023, thị trường ghi nhận một số thương vụ đáng kể, thương vụ có giá trị nhất đạt khoảng 315 triệu USD.
Điển hình như: Gamuda Berhad (Malaysia) đã mua 3,68 ha đất tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) từ Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá trị thương vụ xấp xỉ 315,8 triệu USD để phát triển dự án đa dụng.
Một doanh nghiệp ngoại khác cũng gây chú ý là SkyWorld Development Berhad (Malaysia), đã mua 2.060 m2 đất tại quận 8, TP.HCM, từ Công ty cổ phần Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD để phát triển dự án bất động sản nhà ở.
Tập đoàn Keppel (Singapore) tiếp tục thu hút sự chú ý khi đã mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị 50,4 triệu USD.
Với khối nội, một số thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần, dự án cũng đã diễn ra. Công ty cổ phần Địa ốc First Real Land (Việt Nam) đã mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất diện tích 6.879 m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD.
Tập đoàn Saigonres (Việt Nam) đã thực hiện các thủ tục M&A để mua 90% cổ phần của Công ty cổ phần Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu của một lô đất diện tích 7.700 m2 tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Tập đoàn F.I.T (Việt Nam) đã chính thức thoái vốn khỏi dự án khu resort biển Cap Padaran Mũi Dinh có diện tích 800 ha tại tỉnh Ninh Thuận.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong khi hoạt động M&A bất động sản ngày càng sôi động. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi việc giảm lãi suất xuống mức 2020 là tín hiệu tốt cho bất động sản nhà ở.
Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp xuất hiện những dự án FDI hàng trăm triệu USD, theo khảo sát của Savills Việt Nam. Điển hình như dự án của Fulian Precision Technology (Singapore) với vốn đầu tư 621 triệu USD tại Bắc Giang, dự án 280 triệu USD của Goerteck (Hong Kong) Co. tại Bắc Ninh, dự án của Shandong Haohua Tire (Trung Quốc) trị giá 500 triệu USD tại Bình Phước…
Việc đón thêm các “đại bàng” với các dự án trăm triệu USD, cùng nhiều nhà đầu tư đang mở rộng sản xuất đang đẩy nhu cầu nhà xưởng tăng lên, từ đó xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cũng trở nên sôi động.
Một trong những thương vụ M&A nổi bật trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian qua là thương vụ Frasers Property Vietnam (FPV) hợp tác cùng Gelex Group triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.
Trước đó, hồi đầu năm, ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương đã dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót vốn vào BW Industrial Development. Một số thương vụ đầu tư lớn khác là khoản đầu tư của Foxconn vào KCN Quang Châu (Bắc Giang) và khoản đầu tư của Goertek vào KCN WHA (Nghệ An).
Bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc cấp cao EY-Parthenon cho biết: “EY-Parthenon ghi nhận khoảng 10 thương vụ đang trong quá trình đàm phán với giá trị lên đến hàng tỷ USD có thể được chốt trong thời gian tới. Dự kiến, từ năm 2024 trở đi, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn”.
Đại diện EY-Parthenon cho rằng, xu hướng thương vụ M&A bất động sản công nghiệp trong thời gian tới sẽ có quy mô vừa, nhưng số lượng lớn để mở rộng danh mục ở nhiều vị trí trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các công ty FDI với giá trị trung bình từ 100 đến 200 triệu USD/thương vụ.
Bên mua khối ngoại vẫn sẽ là các quỹ, chủ đầu tư có kinh nghiệm tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam, trong khi đó, khối nội sẽ có thêm các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tài chính tốt và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Bên bán phần lớn là các chủ đầu tư KCN nội địa với quỹ đất lớn, pháp lý hoàn chỉnh, muốn hợp tác để thu hút thêm khách hàng.
Tổng Hợp
(ĐTCK, VNB)