Hà Nội đang tính quy hoạch lại dọc 2 bờ sông Hồng và TP.HCM nhiều năm nay cũng đã tính chuyện quy hoạch sông Sài Gòn, thế nhưng cả hai nơi đều đang vướng nhiều vấn đề để khai thác lợi thế dòng sông chảy trong lòng đô thị
Trong gần 30 năm qua, một số dự án quy hoạch sông Hồng đã được đưa ra nhưng đều “lỡ dở”. Cụ thể, năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất dự án Trấn Sông Hồng xây dựng ở ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn dự kiến khi đó là 240 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án này. Tuy nhiên, do có vướng mắc về một số vấn đề, nhất là việc trị thủy nên dự án đến nay chưa triển khai.
Hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì thủ đô rất khó phát triển, bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm
Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ
Năm 2006, lãnh đạo TP.Hà Nội và Thị trưởng TP.Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, còn gọi là Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 – 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.
10 năm sau, năm 2016, 3 doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Thứ nhất, xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Thứ hai, quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3. Thế rồi mọi chuyện cũng ngừng ở đó.
Tại cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT đầu tháng 7 mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh định hướng trong 5 năm tới phải thực hiện các quy hoạch phân khu để phủ kín quy hoạch chung thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ quy hoạch như vậy, TP.Hà Nội mới có thể sử dụng được nguồn tài nguyên đất là các bãi ven sông để phát triển đô thị.
“Hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì thủ đô rất khó phát triển, bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm”, ông Huệ nói và cho hay 3 năm trước, TP.Hà Nội đã bỏ lỡ việc phê duyệt quy hoạch ven sông khi thẩm quyền còn thuộc HĐND TP.
TP.HCM cũng nhiều lần lên kế hoạch quy hoạch đô thị dọc 2 bờ sông Sài Gòn. Tại hội thảo Quy hoạch, phát triển kè bờ sông Sài Gòn, sông, kênh nội thành tổ chức cuối năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sông, kênh rạch chính là tọa độ để định vị TP và TP phải có quy hoạch sử dụng sông nước, khai thác kè bờ sông, sử dụng đất ven sông đúng chiến lược.
Khi nghiên cứu phát triển đô thị ven sông, cần đặt vào tổng thể cả dòng sông Hồng, không thể tách rời đoạn nào, kể cả đoạn ngắn từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy. Nếu bê tông hóa cứng hai bên bờ đoạn sông này thì phải tính toán vấn đề ngập úng ở thượng lưu và xói lở ở hạ lưu. Hiện yêu cầu bảo vệ đang đặt ra là lũ lớn 500 năm mới xuất hiện 1 lần, nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, cần đặt ra mức bảo vệ của lũ lớn 700 năm xuất hiện 1 lần hoặc lũ lớn 1.000 năm xuất hiện 1 lần… Hãy cẩn trọng với sông Hồng.
GS-TS Vũ Trọng Hồng
Theo KTS Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng, với khoảng cách 100 – 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng 80 km sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dôi ra khoảng 3.100 – 5.000 ha đất, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha. Như vậy diện tích phần đất thuộc hai bên kè sông tương đương với diện tích của Q.Tân Phú hoặc Q.7, đảm bảo đủ để quy hoạch bất kỳ một chức năng sử dụng nào. Nếu tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảnh 60% quỹ đất trên thì TP có thêm 1.800 – 3.000 ha đất, tương đương với chỉ tiêu cây xanh 0,6 – 1,8 m2/người (tính với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân), cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh của nhóm theo quy chuẩn xây dựng VN và cao hơn gấp 1,22 – 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của TP. Với diện tích còn lại dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, chúng ta sẽ có 220 – 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm du khách, biểu diễn, sinh hoạt lễ hội… Đó là chưa kể các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động như bar, karaoke, beer club, bãi đậu xe ngầm.
Trước đó, từ năm 2018, ý tưởng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61 km, nối từ cầu Bến Súc (H.Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Q.12, Q.Bình Thạnh, Q.1 của Tập đoàn Tuần Châu đã được báo cáo và đề xuất đưa vào quy hoạch đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh). Dự án đã có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM về việc chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Tuần Châu hoàn thiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, dự án New Saigon.
Thế nhưng, cách đây 2 tháng, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu, đã trao tặng ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City cho ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá về hạ tầng tại TP.HCM vì thế vẫn phải chờ.
Theo KTS Ngô Anh Vũ, TP.HCM phải luôn hình dung không gian bờ sông được ưu tiên dành cho cộng đồng với các không gian công cộng nối tiếp nhau trong bán kính đi bộ và xe đạp để có giải pháp thiết kế phù hợp. Đồng thời, tối đa hóa khả năng tiếp cận: trên bến dưới thuyền, có thể “tương tác” với nước theo nhiều cách: từ bơi lội và câu cá đến đi dã ngoại… Nếu không thể thực sự nhúng tay vào nước, cũng nên tổ chức để họ có thể tiếp cận vào một loại nước khác gần đó như: đài phun nước, khu vực chơi dưới nước hoặc bể bơi kết nối trên bờ…
Khi lập kế hoạch phát triển bờ sông, hãy dẫn dắt suy nghĩ bằng hàng loạt các nguyên tắc: tạo đặc trưng cho mặt tiền sông, tái hiện lịch sử dòng sông (nếu có), kích hoạt bờ sông bằng cách bổ sung các tiện nghi và dịch vụ tiện ích, không hạn chế việc kết nối với bờ sông, tổ chức các hoạt động lấy nước làm trung tâm. Đồng thời cố gắng “kéo” liền mạch không gian bờ sông với các khu vực phía trong, vào các khu phố. Đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa ngập lụt và kết hợp với việc cải thiện môi trường.
KTS Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nay là Bộ NN-PTNT, nêu ý kiến việc quy hoạch phát triển TP 2 ven sông ở sông Sài Gòn và sông Hồng là hai việc khác nhau, mức độ phức tạp khác nhau. Việc nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị ven sông Sài Gòn cũng đơn giản hơn nhiều là phát triển TP ven sông Hồng, chủ yếu cần làm rõ vấn đề triều cường diễn biến như thế nào, không bị úng ngập TP.
GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng cần nghiên cứu làm đô thị ven sông Sài Gòn trước khi làm ở sông Hồng để lấy kinh nghiệm. Việc quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Sài Gòn không gây tác động, ảnh hưởng trên phạm vi rộng như sông Hồng.
Lê Quân