Ý tưởng đã từng được đề cập gần 25 – 30 năm trước. Nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng vẫn chỉ trên giấy. Năm 1994, Hà Nội đã có một dự án của Singapore mang tên “Trấn sông Hồng” nhưng sau thời gian khởi động thì không còn nhắc đến nữa.
Còn có nhiều vấn đề khác về tư duy, tầm nhìn, cách đặt vấn đề ở từng giai đoạn lãnh đạo thành phố, khiến việc lập quy hoạch không “đến nơi đến chốn”. Đặc biệt, việc lập quy hoạch đó hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay doanh nghiệp bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa.
Còn nhớ, cách đây vài năm, cũng đã có một số doanh nghiệp tự nguyện đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng.
Bí thư Hà Nội khẳng định “Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp”. Nhà nước lập thì Nhà nước mới làm chủ được mục đích của mình. Tôi rất tâm đắc với quyết định của Hà Nội lần này. Đó là quyết định đúng đắn.
Để doanh nghiệp làm thì phải hiểu rằng đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về “lợi ích nhóm”. Doanh nghiệp nào sẽ bỏ tiền ra cho không Nhà nước? Cũng không thể giao cho những người không hiểu Hà Nội, không hiểu văn hóa sông Hồng làm quy hoạch được.
Bây giờ chỉ là mấy trăm nghìn đồng/m2 đất bãi, nhưng khi có quy hoạch thì giá sẽ vô cùng khác. Bởi, suy cho cùng bản chất của quy hoạch không chỉ là tạo dựng không gian sống mà còn là bài toán kinh tế. Làm sao để cho tài nguyên đất phải có giá trị cao nhất khi có quy hoạch.
Trước đây chúng ta có ý tưởng về một đô thị như đô thị sông Hàn – Hàn Quốc. Đó là mong muốn duy ý chí. Cần có cách nhìn, cách tiếp cận phù hợp với mỗi mảnh đất, địa thế mỗi nơi. Văn hóa bản địa cần được tôn vinh, đô thị sông Hồng phải mang bản sắc văn hóa Thăng Long.
Di sản phải được bảo tồn, giữ gìn. Đô thị này phải tiếp nối được quá khứ, hiện tại, tương lai. Dọc sông Hồng có biết bao chùa chiền, di tích lịch sử. Đó là giá trị văn hóa, nhưng cũng là tiềm năng kinh tế không đâu có được. Người Việt làm, hiểu được giá trị văn hóa người Việt.
Trong đồ án này, người đứng đầu TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng chất các cao ốc dọc sông Hồng.
Các đô thị được xây dựng lên phải theo nguyên tắc thuận thiên, tức là hài hòa với thiên nhiên, không đối chọi với thiên nhiên, đó là tư duy hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Phát triển đô thị sông Hồng là đô thị xanh, kiến trúc xanh, có cảnh quan xanh, không gian xanh và bảo tồn được các di sản, di tích lịch sử. Ở đó sẽ làm bãi đỗ xe, công viên văn hóa, khu du lịch, thậm chí có thể làm vùng rau sạch.
Tất nhiên phải nhấn mạnh rằng, điều đó không có nghĩa là không có nhà cao tầng. Chúng ta có xây nhà cao tầng nhưng chỉ là xen kẽ bên trong để tạo một vùng đệm của một đô thị chuyển tiếp vào bên trong thành phố rất sôi động và phát triển. Đặc biệt, những chỗ nào cần có sẽ được tính trong quy hoạch một cách hợp lý, nhưng không phải là dày đặc.
Nó càng không được tính đến là đô thị nén để bán bất động sản. Nguyên tắc của chúng ta là lấy đất đai nuôi đô thị. Đấu thầu đất, dùng tiền đó để xây dựng hạ tầng. Cách làm lần này cần phải cố gắng tiết kiệm đất đai, khai thác một cách hiệu quả, quản lý bằng quy hoạch.
Trong quá trình đô thị hóa và mở rộng Hà Nội, chúng ta đã phải trả giá đắt khi lúc này, lúc khác để doanh nghiệp chi phối lập quy hoạch, thậm chí điều chỉnh cả quy hoạch của Nhà nước vì lợi nhuận. Vì thế mới có chuyện nhiều nơi bị chất tải bởi những cao ốc, tăng dân số, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng kết nối.