Đối với nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều là quy định bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn, Bộ trưởng ghi nhận, bên cạnh một số ý kiến đồng ý thì có một số ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn mà chỉ nên khuyến khích nhằm đảm bảo quyền tự do, lựa chọn của các bên.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng nêu quan điểm, việc quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 Trung ương khóa XIII về đất đai.
Đồng thời, để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục bàn bạc và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023.
Đối với quy định phải giao dịch bất động sản qua sàn, dự thảo Luật quy định áp dụng đối với hai loại bất động sản là: nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thực thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Việc yêu cầu mua bán bất động sản qua sàn cũng sẽ giúp Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Bên cạnh đó, quy định này giúp tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.
Trước nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ làm gia tăng chi phí giao dịch và qua đó góp phần làm bất động sản bị đội giá, Bộ trưởng khẳng định, việc giao dịch qua sàn không làm gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán.
Hiện nay, các chủ đầu tư dành khoảng 8 – 10% giá bán để làm chi phí quản lý, bán hàng (bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán được hàng…). Do vậy, chủ đầu tư có thể dùng chi phí này, (cùng với bộ máy, nguồn lực riêng của mình) để tự tổ chức bán hàng hoặc thành lập hoặc thuê sàn giao dịch bất động sản để thực hiện giao dịch.
“Việc này nhiều khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư, vì các sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp (có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết các sàn, có sẵn các kênh tiếp thị, quảng cáo…) nên hiệu quả và hiệu suất cao hơn”, báo cáo giải trình nhấn mạnh.
Nói thêm về sự cần thiết phải giao dịch bất động sản qua sàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, các giao dịch bất động sản hình thành tương lai có nhiều đặc thù như: tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án, trong khi các giao dịch này không thực hiện qua công chứng.
Do vậy, đưa vào giao dịch qua sàn là cần thiết để đảm bảo công khai, minh bạch, phục vụ việc quản lý, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo.
Theo Bộ trưởng, yêu cầu giao dịch bất động sản qua sàn nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân, hạn chế hiện tượng khiếu kiện gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Cùng đó là nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản; tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản lành mạnh, ổn định.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)