Nếu đưa tất cả thành viên gia đình vào sổ đỏ thì sẽ rất phức tạp khi thực hiện giao dịch mua bán, sang nhượng. Quy định ghi tên đầy đủ các thành viên hộ gia đình lên sổ đỏ tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang có nhiều ý kiến tranh cãi…
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình:
Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình thì tất cả các thành viên trong gia đình đó đều có quyền được đứng tên trên sổ đỏ, nhưng với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì cần phải xác định ai được ghi tên trên sổ này.
Trên thực tế, quy định này không phải là mới khi được nêu tại Thông tư số 33/2017 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả thành viên trong gia đình đối với tài sản chung là nhà đất, nhưng từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề.
Việc ghi tên từng thành viên hộ gia đình đã được thực hiện theo Thông tư 33/2017. Tuy nhiên, một số địa phương khi triển khai chưa hiểu rõ dẫn đến vướng mắc giữa hộ gia đình theo khái niệm sổ hộ khẩu với hộ gia đình trên sổ đỏ (bao gồm những người cùng gia đình có quyền tài sản với thửa đất).
Lợi ích của việc ghi tên các thành viên nhằm giúp làm rõ các quan hệ pháp luật liên quan đến các quyền về sử dụng đất, khi có tranh chấp đưa ra toà án; các thủ tục pháp lý tại văn phòng công chứng…, nhưng cũng đồng thời làm tăng sự phức tạp trong thủ tục hành chính mà không có tác dụng làm giảm tranh chấp.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường – cho biết việc ghi tên đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên trong gia đình.
“Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào thông tư 33 năm 2017 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013”, ông Thọ cho biết.
Theo ông Thọ, quy định này không phải là mới, chỉ chuyển từ thông tư lên luật. Việc quy định như vậy nhằm thực hiện, đảm bảo quyền của tất cả thành viên trong gia đình
“Quy định ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình trong sổ đỏ chỉ có lợi cho người dân chứ không hề phức tạp về sau cũng như thời điểm đầu đi làm thủ tục, kê khai thông tin”, ông Thọ nói thêm.
Tổng Hợp