Hiện nay, doanh nhân chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam, họ là những người có tài, và một số doanh nhân là người có tâm luôn lấy sự phát triển của đất nước lên hàng đầu. Vì vậy, Nhà nước cho phép doanh nhân tham gia vào đại biêu Quốc hội. Như vậy có nghĩa là đại biểu Quốc hội cũng có quyền làm chủ doanh nghiệp và cũng có nhiều lao lý đi theo.
Căn cứ theo Luật bầu cử Quốc hội thì đại biểu Quốc hội có thể đại diện cho nhiều thành phần khác nhau, không cần nhất thiết phải là cán bộ công chức, trừ một vài trường hợp đại biểu Quốc hội đang đảm nhiệm các chức vụ theo nhiệm kỳ của Quốc hội được hưởng lương và chế độ từ ngân sách nhà nước như chủ tịch, chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội,…Trong đó không có trường hợp nào cấm các doanh nghiệp, người sở hữu, tham gia quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp không được ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chắc chúng ta không thể nào quên được cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng dính đến lùm xùm mang hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ.
Bà Yến được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011, nhưng tới 2012 bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử, vì chồng bà Quốc tịch Mỹ. Tháng 5/2012, bà Yến viết đơn xin từ nhiệm trước khi Quốc hội họp bàn xem xét bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội. Trong đơn, bà cho hay đã “mệt mỏi” vì “chịu nhiều sức ép dư luận”.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, là người sáng lập Tập đoàn Tân Tạo (ITA) từ năm 1993. Bà Yến là một doanh nhân rất nổi tiếng, 3 năm liền thuộc top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (2008-2010).
Dưới sự lãnh đạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến, nửa cuối thập niên 2000, Tập đoàn Tân Tạo liên tục giành được quyền phát triển một loạt các dự án có quy mô rất lớn. Đáng kể nhất là siêu dự án Nhiệt điện Kiên Lương – Cảng nước sâu Nam Du với tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD, dự kiến khởi công vào cuối năm 2009 và đi vào hoạt động 4 năm sau đó.
Tuy nhiên, sau khi bà Yến rời ghế ĐBQH thì Tân Tạo cũng lao dốc từ đó và suốt 8 năm liền, cổ đông cũng không còn thấy sự xuất hiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến, dù vị này cho tới nay vẫn đứng tên chủ tịch HĐQT. Việc điều hành các kỳ đại hội lần lượt được ủy quyền cho tổng giám đốc Thái Văn Mến (điều hành đại hội Tân Tạo từ 2013-2016) và em trai bà là ông Đặng Thành Tâm ( điều hành đại hội Tân Tạo từ 2017 đến 2019).
Cho đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 được tổ chức trực tuyến vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đã bất ngờ xuất hiện. Bà Yến cho biết, lý do bà không tham dự ĐHĐCĐ thường niên nào kể từ năm 2013 là vì bận công tác nước ngoài, lịch làm việc dày đặc.
Ngày 24/8 hãng thông tấn Al-Jazeera đưa tin, Quốc đảo Síp (Cyprus) đang bán quyền công dân cho nhiều nhân vật chính trị và những tội phạm bị truy nã. Ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu TP.HCM đã bị Al- Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê quán tại xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Ông Phạm Phú Quốc từng theo học 5 năm ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Khánh Hòa và có bằng kĩ sư hàng hải và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông cũng có bằng Cao cấp lí luận chính trị. Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4 TP.HCM, gồm Quận 5, Quận 10 và Quận 11 khi đang là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Ông Quốc từng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Tháng 12/2019, ông Quốc đã được bầu giữ chức vụ thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thời gian giữ chức vụ của ông Quốc là 5 năm.
Tại phiên họp chiều ngày 3/8/2016, HĐND TP. Hà Nội kỳ họp thứ 2, khóa XV đã thông qua Nghị quyết bãi miễn đại biểu HĐND TP. Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Lý do là bởi, việc có hai quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Hiến pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam.
Bà Nguyệt Hường năm 1970 tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà là thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Đại học IMPAC (Mỹ); cử nhân ngôn ngữ – Đại học Tổng hợp Lenin – Matxcova; cử nhân Anh văn – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Trước khi được biết đến với tư cách đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa XII, XIII, XIV bà đã nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường giữ vai trò Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group – một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc – kể từ năm 2006, khi tuổi đời chỉ mới 37. Ngoài ra, bà Hường cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings, đơn vị được cho có cổ phần lớn tại CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường chính là Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank và là vợ ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT MaritimeBank nhiệm kỳ I (2012-2016).
Dù bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 vì có quốc tịch Malta và có tài khoản nước ngoài, nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, “bóng hồng” tuổi Canh Tuất vẫn được kính nể với vai trò như một bà đỡ cho các khu công nghiệp ở miền Bắc cũng như là một chuyên gia về thu hút đầu tư nước ngoài.