Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy “cơn cực bĩ” sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số, năm 2020, do ảnh hưởng chưa từng thấy của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam quay đầu giảm mạnh so với các năm trước. Các hãng hàng không Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines, vietravel airlines khai thác chuyến bay, hành khách giảm nhiều so với năm 2019 trở đi.
Ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Thông qua các cảng hàng không, lượng hành khách ước đạt 66 triệu và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Năm 2012 thì con số này có thể ảm đạm hơn.
“Quý tử” Vietnam Airlines luôn “bất tử”
Biến động lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hợp nhất lên tới 11.178 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, trái ngược với kết quả lãi 2.537 tỷ đồng của năm 2019.
Cụ thể, theo giải trình của Vietnam Airlines, đại dịch Covid-19 đã khiến cho tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2020 giảm 55,46% so với thực hiện năm trước, tương đương giảm 41.427,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu sản xuất kinh doanh chính giảm 57,75% (doanh thu nội địa giảm 35,6%, quốc tế sụt 79%). Tổng chi phí kinh doanh và chi phí khác năm 2020 đi xuống 41,49%, tương đương 29.784,9 tỷ đồng. Doanh thu lao dốc nhanh hơn chi phí nên lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sụt (CTM) giảm 11.173 tỷ đồng so với năm 2019.
“Giải cứu” Vietnam Airlines không còn là câu chuyện để bàn nữa, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết trong đó có tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19… Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450 về việc tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay ưu đãi. Khoản vay mà tổ chức tín dụng cấp cho Vietnam Airlines sẽ phải có tài sản bảo đảm và lãi suất >0%. Ngược lại, khoản vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng sẽ không cần tài sản bảo đảm và có lãi suất tái cấp vốn 0%. Theo HSC, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn tổ chức tín dụng có khả năng đưa ra mức lãi suất thấp nhất cho khoản vay này.
Vietnam Airlines mới đây còn nhận lại 30% cổ phần của Jestar Pacifics từ tay Tập đoàn Qantas do hãng này “tháo chạy”. Jestar Pacifics – một hãng hàng không giá rẻ liên tục thua lỗ kể từ khi cất cánh đến nay, dự kiến số lỗ đến 5.000 tỷ đồng tính đến tháng 10/2020. Không thể nói Qantas “cho không” Vietnam Airlines 30% Jetstar Pacifics, bởi đáng ra với khoản thua lỗ trên, với tư cách chủ sở hữu, Qantas sẽ phải bỏ tiền ra cứu Jetstar Pacifics. Tuy nhiên, sau khi nhận 30% cổ phần trở thành cổ đông lớn nhất Jetstar Pacifics, Vietnam Airlines sẽ phải gánh toàn bộ số lỗ 5.000 tỷ đồng, bao gồm phần Qantas bỏ lại. Tại Vietnam Airlines, Chính phủ thực hiện hai vai trò: Thứ nhất là chủ sở hữu, thứ hai là quản lý nhà nước. Với tư cách quản lý nhà nước, Chính phủ đã ra hàng loạt các gói hỗ trợ thuế, phí bao gồm cả gói giải pháp riêng cho ngành hàng không, cho các hãng hàng không.
Doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân như sở hữu thương hiệu quốc gia được xây dựng từ lâu đời, có nhiều doanh nghiệp hậu thuẫn phía sau như công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay. Nếu cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng nghĩa là sẽ có thêm nguồn lực để chi trả các chi phí khác, hoặc cũng có thể dùng vào mục đích giảm giá vé, cạnh tranh với các hãng hàng không khác…
Nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines cũng dần suy yếu. Trong đó, nguồn tiền giảm mạnh từ 1.743 tỷ đồng từ đầu năm xuống chỉ còn 802 tỷ đồng tính đến ngày 30/9. Tổng tài sản giảm từ 76.454 tỷ đồng xuống còn 62.370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 18.607 tỷ đồng xuống còn 6.610 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến 30/9 là 55.759 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu. Dòng tiền kinh doanh Vietnam Airlines hiện đang âm 6.269 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 7.874 tỷ đồng.
Mới đây, trong cuộc họp với Cục Hàng không, Vietnam Airlines đề nghị Cục Hàng không dành 50 – 70% slot bay nội địa cho và 100% slot quốc tế đợt bay quốc tế sắp tới. Thậm chí, Vietnam Airlines còn đề nghị Cục Hàng không chỉ cho Bamboo Airways bay 1 chuyến/ngày ở một đường bay có nhiều lợi nhuận nhưng VNA đang bị Bamboo chiếm thị phần. Vietnam Airlines cũng đề nghị tăng giá vé máy bay và ban hành giá sàn vé bay. Hãng bay này cũng đề nghị Cục Hàng không không cho các hãng tăng số lượng tàu bay thuê và mua mới trong năm nay, ngược lại Vietnam Airlines được quyền tăng số lượng tàu bay để hãng này chiếm trên 50% tổng số tàu bay ở Việt Nam.
VNA kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19. Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Vietnam Airlines sẽ chiếm lĩnh thị trường, đẩy các hãng đối thủ vào cảnh thoi thóp, đứng trước nguy cơ phá sản. Ngành hàng không sẽ quay lại thời VNA độc quyền một mình một chợ, tha hồ thao túng. Khách sẽ phải bay giá cao, nhà nước thất thu khoản ngân sách lớn và môi trường kinh doanh trở nên tệ hại. Với tình trạng không có cạnh tranh lành mạnh như thế, không nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài nào dám đầu tư vào thị trường hàng không Việt Nam nữa.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines thông tin, tính đến ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Chi phí cho nhân công trong kỳ cũng sụt giảm khoảng 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng. Đồng thời, trong chi phí bán hàng, phần chi cho nhân công cũng sụt tới 38% còn 436 tỷ đồng. Trong chi phí quản lý doanh nghiệp, chi cho nhân công giảm 58% còn gần 500 tỷ đồng.
Thoát lỗ ngoạn mục của Vietjet Air
Ngành hàng không đối diện với nhiều thách thức, những kỳ vọng tăng trưởng mạnh được “gửi gắm” vào tương lai. Vận tài hàng hóa qua đường hàng không đang là điểm tựa trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp ngành này trụ vững trong đại dịch.
Một ví dụ điển hình về điều này là trường hợp của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Theo báo cáo tài chính công bố hồi tháng 1 của doanh nghiệp này, Vietjet là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.
Theo đó, kết thúc quý IV/2020, Vietjet Air đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỷ đồng. Tính cả năm 2020, Vietjet Air đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Hãng hàng không này cho biết, trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hãng đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay và vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hóa quốc tế.
Vietjet Air cũng là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách. Doanh thu bán vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước trong quý IV/2020 tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%. Thông qua các thoả thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu – những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch. Cùng đó, Vietjet Air đã khai thác 78.462 chuyến bay, vận chuyển hơn 15 triệu lượt khách. Theo xu hướng từ năm trước, doanh thu phụ trợ của Vietjet Air tăng nhanh tỷ trọng, chiếm gần 50% tổng doanh thu.
Vào giữa năm 2020, Vietjet cho biết ở thời điểm đó có nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà hãng bay này đang nắm giữ, đồng thời tình hình hoạt động của Vietjet khi đó cũng cần tăng lượng tiền mặt nắm giữ, nên phương án bán cổ phiếu quỹ đã được khởi động theo nghị quyết số 14-20/VJC-HĐQT-NQ của HĐQT.
Lũy kế năm 2020, doanh thu của Vietjet đạt hơn 18.209 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu phụ trợ chiếm gần 50% tỷ trọng doanh thu, cho thấy hãng bay này đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn, Vietjet lỗ gộp hơn 1.573 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 5.622 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi khác hơn 2.518 tỷ đồng, Vietjet thoát lỗ trong năm 2020 và báo lãi sau thuế hơn 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hàng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.
Mặc dù doanh thu tài chính năm 2020 tăng 32,2% so với 2019, đạt 1.032,5 tỉ đồng nhưng sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet vẫn âm 2.395 tỉ đồng trong khi năm trước đạt 3.847 tỉ. Trong năm 2020, “Thu nhập khác” mang về cho Vietjet 2.528 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 721 tỉ năm 2019. Lợi nhuận khác năm 2020 đạt 2.518 tỉ. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 âm 4.897 tỉ đồng.
“Nghịch lý” ở Bamboo
amboo Airways thừa nhận lỗ nặng sau hơn 1 năm lấn sân kinh doanh hàng không, trong khi đó các “chủ nợ” đã phát vài chục văn bản hối thúc, đòi tiền dịch vụ thu hộ nhưng hãng này không…trả! Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng hàng không tư nhân này chưa chịu thanh toán.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways – không nhắc tới việc thanh toán nợ nần và bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu của Bamboo Airways là giành 30% thị phần nội địa vào cuối năm 2020, trong đó tập trung chủ chốt vào các đường bay được Bamboo Airways xác định là trọng điểm.
Tập đoàn FLC đang sở hữu hơn 52% vốn Bamboo Airways, cũng vừa báo lỗ ròng quý I/2020 tới 1.892 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất của FLC không công bố cụ thể kết quả kinh doanh mảng hàng không của Bamboo Airways. Tuy nhiên, kể từ khi hợp nhất kết quả kinh doanh hàng không từ quý I/2019, lợi nhuận của FLC đã giảm nghiêm trọng. Đơn cử, quý I/2019, lợi nhuận FLC chỉ còn 8 tỉ đồng, giảm từ mức gần 100 tỉ tại thời điểm quý I/2018.
Và đến lúc ngành hàng không bị thiệt hại nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19, quý I năm nay, lợi nhuận sau thuế của FLC lỗ gần 1.900 tỉ đồng. Đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý, từ cuối năm 2011 đến nay. FLC lí giải nguyên nhân lỗ nặng là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Điều này khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh, tập đoàn rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù giá vốn.
Năm 2020, tổng số tiền mà hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng trong năm 2020). Chính sách tái cơ cấu nợ cũng liên quan tới trị giá tín dụng ở quy mô hạn chế và mức giảm lãi suất khá thấp (với Bamboo Airways, mức giảm lãi suất là 0,5- 1%) và thời gian áp dụng khá ngắn (Bamboo Airways được áp dụng dưới sáu tháng).
Hãng này cho biết, trong năm 2020 đã vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019. Bamboo Airways mới chính thức cất cánh từ tháng 1/2019. Năm trước, Tổng giám đốc của Bamboo Airways cũng công bố có lãi khiến những người quan tâm bất ngờ. Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng cho biết lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng. Trong khi chỉ mới 8 tháng trước đó, Bộ Tài chính thông tin Bamboo Airways lỗ 329 tỷ đồng sau 3 tháng cất cánh. Bamboo Airways từng có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng trong năm 2020, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên phải lùi lại.
Mới đây Hãng hàng không Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét và có ý kiến đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế để các ngân hàng thương mại cho vay và hỗ trợ Bamboo Airways nguồn tài chính thông qua chính sách lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, Bamboo Airways kiến nghị được hỗ trợ lãi suất vay các ngân hàng thương mại với tổng hạn mức vay vốn dài hạn 5.000 tỷ đồng, đồng thời áp dụng mức lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi, hoặc xem xét cho phép Bamboo Airways được tiếp cận khoản vay ưu đãi 5.000 tỷ đồng lãi suất 0% theo hình thức NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines.
Khi chủ trương hỗ trợ toàn ngành đã được Chính phủ nhiều lần cam kết, thì vấn đề đặt ra hiện giờ là phương thức hỗ trợ như thế nào là bảo đảm công bằng, mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước, xã hội và nền kinh tế nói chung.
Kiên Cương