Trong tháng 7 và 8, PV OIL ghi nhận 7.458 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 17 tỷ đồng. PV OIL cho biết, dịch bệnh bùng phát và lan rộng khắp cả nước, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, đặc biệt là trong tháng 8. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng kinh doanh xăng dầu.
Tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu toàn hệ thống ước đạt 1,98 triệu m3/tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 63% kế hoạch năm sau 8 tháng.
Về kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã yêu cầu tổng công ty và các đơn vị phải tăng cường tiết giảm chi phí một cách hợp lý nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được. Căn cứ vào các kịch bản sản xuất kinh doanh của tổng công ty, các đơn vị cần xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh riêng của từng đơn vị, phù hợp với tiến độ nới lỏng giãn cách xã hội, trên tinh thần sẵn sàng đón khách hàng trở lại từ đầu tháng 10.
Theo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất ước đạt 32.651 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 517 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước đạt 452 tỷ đồng, hoàn thành 151% kế hoạch năm còn lợi nhuận trước thuế công ty con ước đạt 57 tỷ đồng, thực hiện 36% kế hoạch năm.
Kết quả 8 tháng đầu năm trên đã giúp thực hiện được PV OIL đã thực hiện 58,6% kế hoạch doanh thu hợp nhất năm và vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Trước đó, kết quả 6 tháng đầu năm đã soát xét của PV OIL cho thấy doanh thu hợp nhất của công ty là 25.193 tỷ đồng và lãi trước thuế 534 tỷ.
Theo OIL, chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu thế giới tăng trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, giá của các loại dầu chuẩn Dated Brent (64,84 USD/thùng), cao hơn khoảng 25 USD/thùng so với cùng kỳ năm 2020 (giai đoạn giá dầu giảm sâu), tương ứng tăng 63,2%. Trong kỳ, doanh thu tài chính OIL tiếp tục neo ở mức cao khi đạt 207 tỷ đồng, cao 3 tỷ đồng so với cùng kì. Chủ yếu đến từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng với 189 tỷ đồng.
Theo ghi nhận báo cáo tài chính, tại ngày 30/6/2021, OIL đang có 8.176 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.
Trong đó có 4,8 tỷ đồng và 3,7 triệu USD tiền gửi không kỳ hạn, 1.014 tỷ đồng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng và 274 tỷ đồng tiền gửi có thời gian đáo hạn từ 3 tháng đến 1 năm tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương bị hạn chế chi trả cho các tổ chức kinh tế thuộc PVN để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng. Đáng chú ý, OIL có gần 861 tỷ đồng nợ xấu, nhưng giá trị có thể thu hồi được chỉ khoảng 48 tỷ đồng. Ngoài ra, PVOIL còn hơn 255 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 5 tỷ so với đầu năm. Tập trung chủ yếu tại các dự án như Kho xăng dầu Nghi Sơn (113 tỷ đồng); Kho cảng xăn dầu Cái Mép – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (56 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng các kho xăng dầu (34 tỷ đồng)…
Như vậy, mặc dù kết quả kinh doanh có khởi sắc, tuy nhiên OIL vẫn chưa khắc phục được những “tồn đọng” liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2020 mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.
Nhật Hạ
(Tổng hợp)