Một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của các Proptech (ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản) đã thay đổi đáng kể phương thức giao dịch nhà đất, cũng như hình thành thêm nhiều hình thức đầu tư mới đặc biệt từ năm 2020 đến nay.
Công nghệ là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt và thành công cho Proptech tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường. Hơn nữa, Covid-19 đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản, vốn khá bảo thủ trước những đổi mới về công nghệ. Do vậy, kể từ năm 2020, tự động hóa trong quá trình tiếp thị và bán hàng không còn là một điều “có thì tốt, không có cũng không sao”, mà đã trở thành yếu tố “không thể thiếu” để các nhà phát triển bất động sản, đơn vị môi giới xây dựng cho mình vị thế nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh.
Proptech (viết tắt của từ property technology) là việc sử dụng công nghệ để giúp cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, giao dịch, mua bán, thuê, cho thuê và quản lý trong lĩnh vực bất động sản. Trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp của Proptech trong ngành bất động sản đã mang đến nhiều sản phẩm mới, góp phần vào thay đổi cách thức mô hình kinh doanh kiểu cũ. Proptech cho phép tối giản hóa quy trình làm việc giữa người mua, người bán, người thuê, môi giới, cho vay hoặc chủ nhà. Những công nghệ mà Proptech sử dụng giúp người dùng trải nghiệm bất động sản chỉ với 1 click chuột.
Thị trường proptech ở Việt Nam tuy còn sơ khai, nhưng được đánh giá giàu tiềm năng, là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp khai phá, có thể kể đến Propzy, start-up trong lĩnh vực Proptech, hồi đầu năm 2021 đã gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Cùng thời điểm, một Proptech khác là Homebase cũng nhận được nguồn vốn hàng triệu USD. Start-up RealStake cũng huy động thành công khoản đầu tư vòng hạt giống từ 500 Startups Vietnam và các nhà đầu tư “thiên thần” khác.
Từ đầu năm 2021, mặc dù Covid chưa hạ nhiệt nhưng thị trường đã ghi nhận các thương vụ đầu tư, góp vốn, M&A vào lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech). Gần đây nhất, tháng 8/2021, start-up Rever cho biết đã gọi vốn thành công hơn 10 triệu USD quỹ Mekong Enterprise Fund IV. Rever cũng đã nhận được khoản đầu tư 2,3 triệu USD từ GEC-KIP Technology and Innovation Fund. VinaCapital Ventures cũng đã công bố đầu tư 4 triệu USD vào đơn vị này. Vào tháng 3, Citics gọi được 1 triệu USD vòng Series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures. Giữa tháng 5/2021, start-up đặt phòng ngắn hạn Go2Joy nhận 1,3 triệu USD từ SV Investment, nâng tổng cộng vòng gọi vốn series A đạt 6,1 triệu USD. Mấy tháng trước đó, Go2Joy nhận 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Để có thể thâm nhập thị trường, các chuyên gia cho rằng, start-up phải xác định rất rõ giải pháp của mình hướng tới giải quyết vấn đề gì. Với quy mô và tốc độ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, các start-up chỉ cần có được một miếng bánh rất nhỏ trong đó, giải quyết được các bài toán, “nỗi đau” đang đặt ra của thị trường sẽ thành công. Đại diện một doanh nghiệp bất động sản khẳng định, yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới chính là tính hiệu quả doanh thu mang lại, tiết kiệm chi phí bao nhiêu và có thể giúp chuyển doanh nghiệp sang một trạng thái mới không… Hiện các đơn vị xây dựng, kinh doanh bán hàng, chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định giá… vẫn đang rất thiếu công nghệ bất động sản.
Năm 2021 được nhiều chuyên gia đánh giá là năm bản lề của công nghệ bất động sản, khi trong dịch bệnh, công nghệ đã tham gia mọi hoạt động trong chuỗi giá trị của lĩnh vực bất động sản, từ tiếp thị, kinh doanh, quản lý bất động sản cho đến chăm sóc khách hàng và cả tài chính. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực rộng lớn như bất động sản, ứng dụng công nghệ vẫn còn giới hạn, chưa khai thác triệt để như các ngành khác. Proptech đang là miếng bánh lớn, mở ra cơ hội cho nhiều tổ chức có thể chiếm lĩnh từ thị trường lớn đến thị trường ngách phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.
Hiện nay, công nghệ đã và đang tham gia vào mọi hoạt động trong chuỗi giá trị của lĩnh vực Bất động sản từ tiếp thị, kinh doanh, quản lý tòa nhà cho đến chăm sóc khách hàng và cả tài chính. Trong những năm qua, Proptech có bước tăng trưởng vượt trội và đang tạo ra những tác động tích cực đến thị trường Bất động sản.
Nhiều công ty Bất động sản sẵn sàng chi cả ngàn tỉ để phát triển công nghệ, nhiều công ty startup trong ngành cũng huy động được những nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Có thể nói, bây giờ là thời điểm bắt đầu cho một cuộc đua chuyển đổi số trong ngành Bất động sản. Rất nhiều công ty phát triển các ứng dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau như dành cho môi giới, tra cứu quy hoạch,… Tuy nhiên sự phát triển này khá manh mún, không có tính liên kết, và người dùng đòi hỏi một nền tảng đa dịch vụ, một siêu ứng dụng có thể đáp ứng mọi nhu cầu về Bất động sản.
Tổng Hợp