Khi các dự án giao thông tại TP.HCM chậm tiến độ ngày một dài hơn, chính quyền TP đã đốc thúc và tìm nhiều giải pháp như quy trách nhiệm cho người đứng đầu, họp giao ban hàng tuần… để sớm chữa “căn bệnh” nhiều năm.
Đường vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Gò Dưa dài 2,75km sau gần 4 năm thi công vẫn chưa xong vì vướng mặt bằng. Ảnh: Minh Nghĩa
Muốn có mặt bằng sớm nhưng đền bù thấp
Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề mà chính quyền TP.HCM vẫn chưa tìm ra phương án thực hiện tốt nhất. Vấn đề mấu chốt ở khâu giải phóng mặt bằng hiện nay là không giải quyết được mâu thuẫn về giá đền bù giữa người dân và cơ quan nhà nước.
Phần lớn các dự án chậm giải phóng mặt bằng xuất phát từ mức giá đền bù quá thấp nên người dân không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đơn cử như trường hợp của một số hộ dân ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức bị giải tỏa để làm đường vành đai 2, song mức giá nhà nước đền bù quá thấp không đủ để người dân mua chỗ ở mới nên họ không chịu di dời.
Bà Nguyễn Thị Tư, ngụ tại đường số 11, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, cho biết, nhà nước đền bù cho gia đình bà chỉ 11 triệu đồng/m2, trong khi nhà tái định cư thì bán giá 20 triệu đồng/m2. Vì thế, gia đình bà không có tiền bù phần chênh lệch nên không thể di dời được.
Tình trạng bất cập này đang diễn ra nhiều nơi ở TP.HCM nên nhiều dự án khâu giải tỏa mặt bằng kéo dài rất nhiều năm. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, quá trình thu hồi đất, ngoài trình tự thủ tục còn phụ thuộc vào việc bồi thường có thỏa đáng, vấn đề an sinh xã hội của người dân như nơi học hành, khám chữa bệnh, công việc và tái định cư tại chỗ.
Ông Châu nhận định, đa số các dự án đền bù chậm do bồi thường chưa thỏa đáng, chưa tái định cư tại chỗ mà đưa người dân đi tái định cư quá xa làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh kế nên họ không chấp nhận.
Kỳ vọng tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn
Để thúc đẩy các dự án giao thông làm nhanh hơn, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp từ khâu quản trị đến khâu lên kế hoạch triển khai, trong đó có cả giải pháp tách giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng hoặc kiến nghị cho cơ chế đặc thù để làm nhanh giải phóng mặt bằng.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để thúc đẩy các dự án, thành phố đã lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông để gom tất cả các dự án về một mối. UBND thành phố duy trì định kỳ 2 tuần làm việc một lần với ban để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án.
Hồi tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện nay.
Khi Chính phủ cho phép TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, khi đó với giá bồi thường sẽ cao hơn nhiều so với bảng giá đất để tiệm cận với giá thị trường. Ngoài ra, với cơ chế đặc thù quy trình sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường.
Ông Hoan cho biết, khi có cơ chế TP.HCM sẽ thí điểm quy trình 2 trong 1 trong việc xác định thẩm định giá mà Chính phủ đã cho phép, quy trình này nhanh hơn trước rất nhiều. Dự kiến, TP.HCM sẽ ban hành quyết định vào tháng 10/2020 để triển khai từ đầu năm 2021.
Theo Anh Quân/Thời báo Kinh tế Sài Gòn