Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng với đô thị lớn gần 10 triệu dân như hiện nay, Hà Nội cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cấu trúc lại thị trường gắn với chương trình phát triển nhà ở, dịch vụ, phát triển nhà ở xã hội…
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm hôm nay 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay tiến độ thi công một số công trình tại Hà Nội còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỉ đồng chưa giải ngân được.
“Đặc biệt, quí I, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này”, Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, do tác động của dịch COVID-19 nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kì và kế hoạch đề ra, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Trong đó, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,72%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng cùng kì năm ngoái. Cho nên, cả nước, đặc biệt là Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.
Thông tin tại buổi họp cho thấy, trong 3 kịch bản phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, Hà Nội dự tính, nếu kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22/4 hoặc 3/5 năm nay, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.
Tại buổi họp, một trong 4 vấn đề tồn tại của Hà Nội được Thủ tướng nêu ra, đó là công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần bàn với đối tác để xử lí dứt điểm trước tháng 6/2020.
Liên quan tới dự án này, theo thông tin từ VOV, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, để thực hiện thông báo kết luận đến tháng 9 vận hành thương mại dự án thì điều kiện thứ nhất, hiện nay đã là giai đoạn cuối, tư vấn kiểm tra phải có con người cụ thể để đánh giá, hoàn thành báo cáo số 13, báo cáo cuối cùng. Nếu không có chuyên gia thì không thể thực hiện được.
Thứ hai là tổng thầu cần có đội ngũ chuyên gia để họ trực tiếp thực hiện một số việc liên quan đến báo cáo số 13, nếu đánh giá bảo đảm an toàn thì mới vận hành được.
“Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao, cùng Bộ Giao thông vận tải, thống nhất với kiến nghị của tổng thầu, tư vấn thẩm tra, cho phép chuyên gia vào Việt Nam trong tháng 4 này”, ông Thể nói.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã gợi ý một số định hướng phát triển của Hà Nội như cần tiếp tục coi nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ hơn. Hà Nội cũng cần chuẩn bị điều kiện tốt để đón các dòng đầu tư mới được dự báo sẽ vào Việt Nam thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với đô thị lớn gần 10 triệu dân như hiện nay, Hà Nội cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cấu trúc lại thị trường gắn với chương trình phát triển nhà ở, dịch vụ, phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Hà Nội, cùng với phát triển các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao thì cần quan tâm đến quĩ đất phục vụ phát triển hạ tầng thương mại và thương mại điện tử.
K.Hà
Theo Kinh tế & Tiêu dùng