Theo chứng khoán Bản Việt, phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 5 năm qua.
Số liệu từ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy chỉ trong vòng 1 tháng, phí CDS của Việt Nam đã tăng từ mức thấp nhất 5 năm lên mức cao nhất 5 năm .
Cụ thể phí, CDS 5 năm của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ thấp nhất 5 năm ghi nhận ngày 20/2/2020 là 83,710 lên mức cao nhất 5 năm là 317,47 ngày 23/3. Trong cùng giai đoạn, phí CDS của Thái Lan cũng tăng gấp 2 lần, trong khi CDS của Philippines và Indonesia tăng gấp 5 lần.
CDS (Credit Default Swap, hoán vị rủi ro tín dụng) là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác. Trong đó, bên mua thực hiện trả các khoản phí định kì và bên bán sẽ trả một khoản tiền cụ thể theo hợp đồng nếu công cụ tài chính cơ sở bị thiệt hại.
Hiểu đơn giản, CDS được xem như một công cụ phòng vệ rủi ro tài chính, là loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo hiểm rủi ro để được bồi đền một khoản tiền cố định nếu sự cố được bảo kê thực sự xảy ra.
Phí CDS thay đổi, lên xuống liên tục theo tâm lí nhà đầu tư và theo trạng thái hoạt động của quốc gia/doanh nghiệp. Nếu xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay (hoặc bên phát hành trái phiếu) càng thấp thì mức phí bảo hiểm càng cao và ngược lại. Ngoài ra, nếu khoản vay/trái phiếu bị xếp hạng quá thấp thì bên bán CDS phải đặt trước một khoản thế chấp.
Phí CDS tăng lên cho thấy xác xuất người đi vay tiền không trả được tiền đang tăng lên. Phí CDS càng cao thì chính phủ hay doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thành công buộc phải đẩy lãi suất trái phiếu lên cao hơn, ít nhất phải bằng với lãi suất mong muốn của nhà đầu tư cộng với tỉ lệ % phí CDS.
Như trường hợp của Hi Lạp vào giai đoạn 2010 – 2012, thời điểm nước này rơi vào khủng hoảng nợ và xếp hạng tín nhiệm liên tiếp bị hạ thấp, giới đầu cơ đã cược rằng Hi Lạp sẽ vỡ nợ nên ồ ạt mua các hợp đồng CDS. Với phí CDS bị đẩy lên cao khiến lãi suất trái phiếu nước này phát hành cũng phải tăng cao tương ứng, và mức cao nhất là khi vay nợ, Chính phủ Hi Lạp phải trả lãi đến 48,6% với trái phiếu kì hạn 10 năm vào tháng 3/2012 – đỉnh điểm trong giai đoạn rủi ro vỡ nợ của nước này lên mức cao nhất.
Chính vì vậy, phí bảo hiểm rủi ro tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, chi phí huy động vốn của chính phủ, doanh nghiệp trong nước khi đi huy động vốn trên thị trường quốc tế cũng sẽ có chiều hướng tăng thêm.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng