Những bất cập về phát triển đô thị không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn. Ngay cả những thành phố nhỏ nổi tiếng nên thơ như Đà Lạt ở phía nam hay Sapa ở phía bắc cũng không tránh khỏi xu hướng đô thị hóa mất cân bằng.
Dân số tập trung quá đông vào các thành phố lớn khiến hạ tầng quá tải, môi trường bị tận khai thác và hủy hoại, dẫn tới kẹt xe liên tục trên diện rộng, ngập lụt khi mưa lớn, khủng hoảng bầu không khí và môi trường nước, không gian công cộng bị chiếm dụng và chuyển đổi, di sản văn hóa bị xâm hại hoặc đập bỏ, lối sống truyền thống bị đảo lộn…
Làm nghiên cứu quy hoạch thiết kế đô thị hai chục năm nay, ở nước ngoài cũng chừng ấy năm và có dịp đi rất nhiều nước, tôi thường được hỏi: Vì sao các thành phố ở Việt Nam đang phát triển nhanh với lợi thế đi sau mà cứ lộn xộn và thiếu bản sắc? Đâu là những bài học ở nước ngoài có thể áp dụng cho chúng ta? Câu hỏi này khiến tôi suy ngẫm nhiều.
Và giờ đứng trước bước ngoặt bất thường về đại dịch và biến đổi khí hậu, cũng như những thay đổi nhanh chóng về dân số, cấu trúc xã hội và lối sống trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới tư duy quy hoạch phát triển đô thị cho phù hợp đang được đòi hỏi hơn bao giờ hết.
Từ chuyện “Tây đi trước ta cả trăm năm”… rồi ngẫm về xứ ta
Phải mãi đến khi đi du học tại Đức cách đây hai chục năm, tôi mới được trải nghiệm trọn vẹn và thấm thía câu cửa miệng được nghe từ bé này. Trong vài năm, tôi đã đi khắp Đức và nhiều nước châu Âu, và đặc biệt ấn tượng với thiên nhiên, văn hóa và quy hoạch thiết kế đô thị nơi đây.
Thiên nhiên, với vô số công viên giữa lòng thành phố, những cánh rừng tuyệt đẹp ven đô, những dòng sông trong mát uốn lượn giữa đô thị – nơi tràn ngập sinh hoạt cộng đồng, những bãi biển công cộng đông vui sôi động, là những thứ khiến tôi ngỡ ngàng, say đắm vì chưa từng thấy ở quê nhà.
Tác giả, TS. KTS. Tô Kiên tại Amsterdam, một trong những “thiên đường xe đạp” ở châu Âu và cũng là thành phố thủ đô hội tụ đủ ba yếu tố cốt lõi: thiên nhiên, văn hóa và hạ tầng ảo tiên tiến
Văn hóa châu Âu đậm bản sắc, được biểu đạt đa dạng và ngập tràn trong các không gian công cộng xinh đẹp, các lễ hội và sự kiện và theo chân cả những nhạc công đường phố hay họa sỹ tranh tường mà đi khắp mọi nơi.
Còn quy hoạch thiết kế đô thị là chuyên ngành học nên tôi quan sát và suy ngẫm sâu hơn. Các ngôi nhà phố cổ xưa ở châu Âu thường đều tăm tắp tầm 5 – 6 tầng, được quản lý phát triển rất chặt chẽ về chiều cao tầng và tổng, khoảng đua của ban công, khoảng lùi của tầng mái, rồi vật liệu màu sắc công trình…
Còn rất nhiều các khu ở mới thời kỳ hiện đại và đương đại ở ven đô thì được xây cao vừa, tầm 10 đến 20 tầng, đủ để tận dụng hiệu quả đất đai mà tỉ lệ vẫn gần gũi với con người. Cách quy hoạch kiến thiết đô thị này dành được quỹ đất cho cây xanh, không gian công cộng và đầy đủ hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà cộng đồng… Tổng thể đô thị thì hài hòa, chất lượng môi trường sống cao.
Trừ thủ đô, hầu hết các thành phố đều có quy mô vừa phải và phân bố khá đồng đều trên cả nước. Nước càng giàu thì khoảng cách vùng miền càng nhỏ. Còn về lối sống, người phương Tây ưu thích các hoạt động ngoài trời trong không gian công cộng đặc biệt là công viên, quảng trường, bờ sông,bãi biển. Rất nhiều người hễ có kỳ nghỉ là đi “bụi” khám phá khắp thế giới, tạo nên hình ảnh “Tây ba-lô” quen thuộc.
Trái lại ở ta, hình ảnh điển hình của các đô thị có thể chia làm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các dãy nhà phố, nhà ống thấp tầng bám đường, “muôn hoa đua nở”, không nhà nào giống nhà nào về chiều cao và số tầng, các khoảng thò thụt, phong cách kiến trúc, màu sắc và vật liệu… Nhưng nhìn tổng thể cả con phố lộn xộn đó thì phố nào cũng hao hao như nhau. Do hiệu quả sử dụng đất kém nên không còn nhiều đất cho cây xanh và không gian công cộng, mọi thứ được tận dụng từng mét, hở ra chỗ nào là xây chen chỗ đó.
Nhóm thứ hai là một vài hoặc cả rừng tháp chung cư đang mọc lên như nấm ở ngoại vi các thành phố lớn hoặc được xây xen cấy trong nội đô, phá vỡ cảnh quan, chất tải cực lớn lên hạ tầng vốn yếu kém làm tắc nghẽn giao thông và thoát nước, khiến thành phố “thất thủ” sau mỗi cơn mưa lớn.
Về tập quán sống, do có quá ít không gian công cộng nên sinh hoạt ngoài trời của ta chỉ chủ yếu là bám phố bám đường bám ngõ, còn lại là thu mình trong các căn nhà, căn hộ riêng lẻ – nơi họ có cơ hội vun vén, chăm chút. Và vì nhiều rào cản và cả tập quán văn hóa, chúng ta cũng không đi khám phá thế giới nhiều như người phương Tây.
Hình ảnh nhà phố nội đô lịch sử và khu ở mới ven đô của Paris (nửa trái) và Hà Nội (nửa phải)
Vòng luẩn quẩn của hiện thực và ước vọng
Hầu như số đông chúng ta đều cảm nhận được vô vàn bất cập của hiện thực đô thị. Dân số tập trung quá đông vào các thành phố lớn khiến hạ tầng quá tải, môi trường bị tận khai thác và hủy hoại, dẫn tới kẹt xe liên tục trên diện rộng, ngập lụt khi mưa lớn, ô nhiễm không khí và môi trường nước, không gian công cộng bị chiếm dụng và chuyển đổi, di sản văn hóa bị xâm hại hoặc đập bỏ, lối sống truyền thống bị đảo lộn. Tất cả dẫn tới đô thị phát triển mất cân bằng, không bền vững. Cứ thế, dần dần, chúng ta không chỉ đánh mất chất lượng sống đô thị, mà còn đánh mất luôn cả bản sắc địa phương.
Có nhiều bất cập tác động đến tư duy xây dựng đô thị, như nếp sống nếp nghĩ gốc gác từ nông thôn, nền tảng nhận thức và kinh tế còn thấp, gu thẩm mỹ còn yếu, hội chứng giàu lên đột ngột sau Đổi Mới… Nhưng cơ bản nhất, dường như quy hoạch đô thị ở ta thiếu một trục triết lý quy hoạch táo bạo, thiếu cái nhìn tổng thể và nhân văn trong quy hoạch và quản lý đô thị, với nhiều lỏng lẻo và thay đổi. Quy hoạch luôn bị động chạy theo sau thực tế phát triển, khiến đô thị ngày càng chắp vá. Nhiều mô hình mới “học lỏm” của nước ngoài nhưng lại áp dụng không phù hợp hoặc không thấu đáo.
Những bất cập về phát triển đô thị không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn. Ngay cả những thành phố nhỏ nổi tiếng nên thơ như Đà Lạt ở phía nam hay Sapa ở phía bắc cũng không tránh khỏi xu hướng đô thị hóa mất cân bằng và mai một bản sắc. So với vài thập niên trước, chúng đã bị biến dạng, bê tông hóa và nhà “lô hóa” đến không thể nhận ra trên không ảnh, mảng xanh cũng còn lại rất ít.
Trong khi đó, ước vọng của người dân thì rất nhiều, mong có được môi trường xanh-sạch-đẹp và đáng sống, thân thiện và văn hóa, thú vị và hấp dẫn, để lại nhiều kí ức đẹp cho bản thân cũng như nuôi dưỡng tốt những thế hệ mầm non.
Nhưng người dân không có nhiều lựa chọn tốt, và thường bị thất vọng đơn thất vọng kép. Trong khi chưa có những khu đô thị đáng sống và hoàn chỉnh ở gần họ, như Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM là một mô hình tốt, thì họ đành chặc lưỡi bỏ tiền mua nhà ở những khu đô thị mới mà ngay trên bản thiết kế đã nghèo nàn không gian công cộng và hạ tầng xã hội.
Khi xây lên rồi, nhiều trường hợp lại bị thất vọng lần nữa khi chủ đầu tư “treo đầu dê bán thịt chó”, xây sai lạc hoặc cắt xén so với cam kết. Những giao dịch vẫn thành công đã vô tình tiếp sức cho các chủ đầu tư với tầm nhìn ngắn hạn và chỉ quan tâm lợi nhuận để họ tiếp tục đầu tư theo kiểu “ăn xổi” đó, và nhân rộng sự bất cập lan xa, tạo thành cái vòng luẩn quẩn.
Cơ hội bứt phá để bắt kịp thế giới
Tuy nhiên, cái vòng luẩn quẩn suốt nhiều thập niên đang đứng trước cơ hội vàng để giải thoát và bứt phá. Khởi động trong thập niên gần đây và nhanh chóng lan đến Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tiến bộ vượt bậc với Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ thông minh (AI), truy cập dữ liệu thời gian thực và hệ thống không gian ảo (Cyber) tiên tiến.
Và cuộc cách mạng này lại được một cú hích cực mạnh, dù không ai trông đợi, là dịch Covid-19. Đại dịch như một người khổng lồ lật nhào cả thế giới, làm tăng tốc cuộc cách mạng 4.0, với bối cảnh giãn cách xã hội, con người bị giam chân nhiều hơn trong nhà, nhiều sinh hoạt, giao tiếp, làm ăn, mua sắm, giáo dục, giải trí… đều được đẩy lên mạng.
Trong vô vàn những điều tiêu cực mà đại dịch đem đến, nó cũng đem lại những đổi thay tích cực như cải thiện chất lượng không khí toàn cầu, thúc đẩy công nghệ mạng và các ứng dụng dùng mạng phát triển vượt bậc. Nó tạo ra trật tự công bằng mới cho thế giới. Với kết nối mạng, đâu đâu cũng bình đẳng và dễ tiếp cận cơ hội như nhau, giàu cũng như nghèo, phát triển hay đang phát triển, đô thị hay nông thôn.
Việt Nam có nhiều cơ hội, khi là một trong những nước có tốc độ phát triển internet rất nhanh với 70% dân số sử dụng internet, và tới 94% người dùng sử dụng internet hàng ngày.
Cách mạng 4.0 và Covid-19 đang tạo ra cơ hội vô tiền khoáng hậu để ta tư duy lại và thay đổi triết lý và chiến lược quy hoạch: tăng làm việc từ nhà và từ xa, thu gọn văn phòng, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường cây xanh, mở rộng không gian công cộng, không gian di chuyển và vận động, giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới đang chuyển mình để thích ứng và cải tổ thời Covid, bứt lên tiên phong và tỏa sáng. Berlin đang chuyển đổi nhiều bãi đậu xe thành làn đường dành cho xe đạp. Paris gấp rút mở rộng mạng lưới đường đạp xe thêm 400 dặm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đi xe đạp và đi bộ là hữu ích cho cả giãn cách xã hội và đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho vận động hàng ngày. Nhiều đường phố cũng đang được thiết kế lại để hỗ trợ đỗ xe giao hàng khi mua đồ trực tuyến. Nhu cầu đang gia tăng với các công viên quy mô nhỏ để người dân nghỉ ngơi thư giãn, tránh ồn ào, căng thẳng. Các khu vườn cộng đồng cũng góp phần thay thế cho các công viên công cộng.
Trong một nghiên cứu gần đây về các khu đô thị sáng tạo, đổi mới và sinh thái ở Nhật, tôi và các đồng nghiệp sở tại đã rút ra được ba từ khóa cốt lõi là những giá trị mà người dân tại các khu đô thị đó trân quý và mong muốn: Thiên nhiên, văn hóa, và hạ tầng mạng tiên tiến. Hai từ khóa đầu chính là những ấn tượng mạnh của tôi về châu Âu đã nói ở phần đầu, còn từ khóa cuối chính là mấu chốt của thời đại 4.0.
Đối với các thành phố cực lớn của ta như Hà Nội và TP.HCM, nơi dân số và hạ tầng đều đang quá tải, chúng ta cần thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh cỡ vừa cũng như khu vực ven đô, nơi dễ có điều kiện phát triển mới để có chất lượng sống tốt và hài hòa hơn nhằm giãn dân, giảm tải nội đô. Quy hoạch tổng thể tốt có thể giúp chúng không cạnh tranh lẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
Chiến lược bốn thành phố bắc, nam, đông, tây của TP.HCM theo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị mà khu Đông đang được triển khai đầu tiên để trở thành Thành phố phía Đông định hướng sáng tạo là một tín hiệu đáng chú ý. Thoạt nhìn thì có vẻ như các thành phố đó là vệ tinh giúp giảm tải và tránh bệnh “đô thị đầu to” cho TP.HCM. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chúng là các thành phố trực thuộc giúp giảm các đầu mối hành chính, không phải thành phố vệ tinh, và chưa chắc đã giúp giảm tải mà có nguy cơ tạo thêm điểm hút dân tứ xứ đổ về khiến thành phố phình to hơn.
Khu vực ven đô có vị trí vô cùng chiến lược do không quá xa và đắt như nội đô, không nên tập trung xây“rừng” tháp chung cư như hiện nay. Tôi và các đồng nghiệp Nhật từng đề xuất phát triển các khu ven đô sinh thái, thông minh, cao vừa tầng cho các đô thị lớn ở Việt Nam. Và do tất cả các chức năng cơ bản như ở, làm việc, học tập, vui chơi, gắn kết cộng đồng đều có trong nội khu, cộng thêm hạ tầng mạng tiên tiến, các khu ven đô này sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn và đáng sống, giúp giãn dân và giảm tải cho thành phố.
Mô hình khu ven đô sinh thái, nén tất cả trong 1 thời đại 4.0 và hậu Covid, do tác giả và đồng nghiệp Nhật đề xuất cho đô thị lớn ở Việt Nam, giúp giảm tải nội đô
Để giữ gìn bản sắc cho thành phố, vẫn cần phải cân đối giữa bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa – lịch sử, trong khi vẫn phát triển mới một cách phù hợp và bền vững để thành phố không tụt hậu và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các đô thị Việt Nam có thể học hỏi nhiều nước tiên tiến ở châu Âu và châu Á trong công cuộc phát triển xanh và bền vững này.
Trước hết là xanh trên phương diện phát thải thấp và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng công trình xanh, giao thông xanh và năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là xanh về mặt sinh học – sinh thái, với việc đưa ra các quy chế về bảo tồn mảng xanh. Trong trường hợp phải chặt hạ thì cần có quy định trồng bù tương đương trong khuôn viên hoặc trên mái, trên các hiên trời của công trình mới.
Cuối cùng, để hòa nhịp cùng hơi thở “4.0”, một số thành phố chiến lược có thể nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp không khói mới có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với bối cảnh địa phương, như công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp môi trường và kinh tế quay vòng, công nghiệp R&D (Nghiên cứu và Sản xuất), công nghiệp sáng tạo…
Về giữ gìn bản sắc, rất nhiều thành phố cổ châu Âu đi theo hướng vỏ ngoài cổ kính của công trình được bảo tồn nguyên vẹn, nhưng nội thất được “thay ruột” cực kỳ hiện đại với hạ tầng ảo thông minh.
Có đi chậm lại để suy ngẫm, tái thích ứng với tình hình và cơ hội mới, chúng ta cùng hy vọng có thể “lái” tư duy quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tiên tiến hơn, hài hòa hơn, hấp dẫn hơn, đáng sống hơn, và có sức cạnh tranh quốc tế cao hơn trong khi bản sắc và sức hấp dẫn địa phương vẫn được duy trì.
(*) TS. KTS. Tô Kiên – Tiến sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch và nghiên cứu đô thị công tác nhiều năm tại Nhật Bản (hiện nay), Singapore và Việt Nam.
Theo TS. KTS Tô Kiên/The Leader