Cùng với việc đầu tư thực hiện chỉnh trang, cải tạo đô thị trung tâm, TP Biên Hòa được qui hoạch mở rộng phát triển về phía Nam nhằm giải quyết áp lực dân số cũng như sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính
Để nâng tầm cho đô thị Biên Hòa, hiện nay, nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai thực hiện tại khu vực trung tâm của thành phố.
Mục tiêu chính được hướng đến là tạo không gian đô thị mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng nhằm bắt kịp với tốc độ phát triển hiện nay của đô thị Biên Hòa.
Ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho hay, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đô thị Biên Hòa hiện nay là tập trung nguồn lực và các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như: đường ven sông Cái, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, các tuyến đường và công viên dọc hai bờ sông Đồng Nai.
“Các công trình, dự án trọng điểm này khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm đô thị Biên Hòa và đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của người dân” – ông Trương Vĩnh Hiệp cho biết.
Theo quy hoạch chung điều chỉnh TP.Biên Hòa được phê duyệt năm 2014, cấu trúc phát triển của đô thị Biên Hòa ngoài 2 khu vực đô thị chính còn có vùng ảnh hưởng ngoài ranh phía Bắc đô thị, thuộc H.Vĩnh Cửu gồm: đô thị mới Thạnh Phú và các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi.
Dù xác định việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm là nhiệm vụ hàng đầu, tuy nhiên để giảm những áp lực do gia tăng dân số, TP.Biên Hòa cũng được định hướng mở rộng trong thời gian tới.
Trên thực tế, Biên Hòa hiện là thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước với gần 1,1 triệu người.
Ngoài ra, do sản xuất công nghiệp phát triển, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh nên quy mô dân số của TP.Biên Hòa được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Từ thực tế phát triển đó, việc quy hoạch mở rộng đô thị Biên Hòa để giảm áp lực cho khu vực đô thị trung tâm hiện hữu là cần thiết.
Trong quy hoạch chung điều chỉnh của TP.Biên Hòa được phê duyệt năm 2014, việc mở rộng đô thị Biên Hòa cũng đã được xác định cụ thể.
Theo đó, TP.Biên Hòa sẽ có mô hình phát triển không gian theo cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục quốc lộ 51 với hướng phát triển chính về phía Nam.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho biết, trước đây khi có ý tưởng mở rộng TP.Biên Hòa thì việc mở rộng về phía Bắc cũng như phía Nam thành phố đều gặp khó khăn do không gian đô thị bị chia cắt bởi 2 khu vực quân sự.
Cụ thể, khi mở rộng về phía Bắc thì không gian đô thị bị chia cắt bởi sân bay Biên Hòa và phía Nam bị chia cắt bởi Tổng kho Long Bình.
Tuy nhiên, về sau, khi hướng phát triển về phía 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch được mở ra nên trong quy hoạch được phê duyệt đã định hướng mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam.
Theo định hướng phát triển cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm về phía Nam, đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính gồm khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc của đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (phạm vi phía Nam đô thị Biên Hòa gồm các phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng).
Quy hoạch cũng đưa ra hướng phát triển đô thị cụ thể đối với 2 khu vực đô thị chính của đô thị Biên Hòa.
Theo đó, đối với khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống được phân chia thành 2 khu vực phát triển nhỏ hơn gồm: khu đô thị trung tâm lịch sử và khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông.
Trong đó, khu đô thị trung tâm lịch sử gồm toàn bộ phần phía Tây Bắc của đô thị Biên Hòa được định hình phát triển theo hướng cải tạo chỉnh trang, kết hợp bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, cảnh quan đặc trưng.
Đối với khu vực này, sông Đồng Nai là trục cảnh quan chính và cù lao Hiệp Hòa sẽ làm trung tâm của đô thị. Trong khi đó, khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông sẽ phát triển theo hướng vừa cải tạo, chỉnh trang vừa xây mới với trục chính của đô thị là quốc lộ 1.
Khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa cũng có 2 khu vực phát triển đô thị riêng gồm khu đô thị phía Tây và phía Đông đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Cả 2 khu vực này được định hướng phát triển mới là chủ yếu.
Định hình khu vực đô thị mới
Theo quy hoạch chung điều chỉnh của TP.Biên Hòa được phê duyệt năm 2014, khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa sẽ thuộc địa bàn các phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng. Trong đó, riêng xã Long Hưng đã được định hướng phát triển trở thành khu kinh tế mở.
Đối với 3 phường còn lại (An Hòa, Phước Tân, Tam Phước), hiện nay việc định hướng phát triển khu vực này trở thành khu đô thị mới của đô thị Biên Hòa cũng đã được triển khai.
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch phân khu đối với 3 phường trên cơ sở cụ thể hóa quy hoạch chung TP.Biên Hòa đã được phê duyệt. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu của 3 phường để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Với vị trí nằm dọc các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 51 và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ được triển khai xây dựng, do đó theo định hướng phát triển, trong quy hoạch phân khu của các phường Tam Phước, Phước Tân và An Hòa sẽ phát triển các khu dân cư, đô thị bám dọc các tuyến giao thông quan trọng này, nhất là tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đây cũng là định hướng đã được đưa ra trong quy hoạch phát triển khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa.
Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, việc mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam là hợp lý. Bởi xét về tài nguyên đất đai, đây là khu vực còn “dư địa” lớn để phát triển đô thị theo hướng hình thành các đô thị mới, hiện đại.
Về tiềm năng phát triển đô thị, khu vực phía Nam cũng được đánh giá rất cao. Cụ thể, trong tương lai, khi các đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành xây dựng sẽ tạo ra những lợi thế rất lớn cho khu vực đô thị phía Nam Biên Hòa bứt phá để phát triển.
Cũng theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, để có thể tận dụng được các tiềm năng này, việc quy hoạch phát triển đô thị Nam Biên Hòa cần phải được tính toán sớm, nhất là về mặt kết nối giao thông.
Cụ thể là các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm đô thị với tuyến giao thông ngoại vi đô thị.
“Hiện nay, đối với đô thị Biên Hòa, tuyến giao thông ngoại vi chính là quốc lộ 1. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số phường như Tân Biên, Tân Hòa, quốc lộ 1 đã là đường “nội ô”.
Do đó, trong quy hoạch mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chính là đường ngoại vi mới của đô thị Biên Hòa” – ông Lý Thành Phương nêu quan điểm.
Quỳnh Nhi
Theo Báo Đồng Nai