Bộ Tài chính nói gì trước lo ngại nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rời “cuộc chơi” trái phiếu?
Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề với chủ đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 30/9, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khẳng định, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn.
Tất nhiên, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng, đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai.
Theo ông Dương, với các quy định như vậy, những doanh nghiệp nào có sẵn những công bố thông tin một cách minh bạch và công khai thông tin ở mức độ cao, vẫn có thể tiếp tục phát hành để huy động được, nhất là đối với những doanh nghiệp có những dự án tốt, có tình hình tài chính tốt, tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
Cũng sẽ có một số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, song Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, không thể coi kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là một kênh duy nhất.
“Những lúc như này, doanh nghiệp sẽ phải tính toán các kênh huy động hiệu quả khác. Về phía Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng có các chỉ đạo để có các giải pháp khác, cùng các kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Dương nhấn mạnh.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, theo số liệu của Bộ Tài chính chỉ chiếm 5% tổng giá trị phát hành, nguyên nhân là thủ tục phát hành rườm rà, thời gian phê duyệt hồ sơ quá lâu (có khi kéo dài đến hàng năm) gây khó khăn cho doanh nghiệp trong chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chưa kể, các cán bộ khi phê duyệt hồ sơ cũng có tâm lý bất an, sợ trách nhiệm khiến khâu phê duyệt các kéo dài.
Ông Dương cũng thừa nhận, đúng là hiện nay có tâm lý e ngại về trách nhiệm của cán bộ nhà nước trong việc thẩm định phát hành ra công chúng. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán.
Theo đó, sẽ quy định rất rõ trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu. Việc ghi rõ trong luật về việc cán bộ thẩm định, cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm đến mức nào sẽ giúp cán bộ thẩm định bớt lo lắng.
Tính riêng trong tháng 8/2022, giá trị phát hành đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ năm 2021 và 58% so với tháng trước. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất từ đầu năm đến nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết nguyên đán vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.
Qua hơn một năm tiến hành sửa đổi, với 7 phiên bản dự thảo, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).
Điểm đáng chú ý, dù không siết chặt điều kiện phát hành song với các quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, hồ sơ phát hành, phương thức chào bán trái phiếu, nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…, Nghị định 65 được thị trường nhận định, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khó có thể tiếp tục phát hành trái phiếu, gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là khi áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 và 2023 là rất lớn.
Tổng Hợp