Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) trở thành một thuật ngữ không còn xa lạ trong ngành ngân hàng, khi liên tục có nhiều ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với các công ty bảo hiểm nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng.
Bancassuarance là thương vụ hợp tác điển hình mà hai bên cùng thắng. Tuy nhiên, thông thường ngân hàng được hưởng lợi nhiều hơn, do nhận được một khoản tiền lớn thanh toán một lần khi ký hợp đồng và nhận được phí môi giới bảo hiểm, trong khi không có rủi ro nào đáng kể.
Đáng chú ý, việc hàng loạt các thương vụ ký kết hợp đồng độc quyền diễn ra trong 2 năm gần đây 2019-2020, thị trường bancassurance được dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới.
Sự hợp tác độc quyền giúp ngân hàng có sự hỗ trợ về phát triển mạng lưới, đầu tư nhân sự cho mảng bán lẻ, bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác… Với những lợi ích đó, hiện một số ngân hàng cũng đang tìm kiếm đối tác độc quyền trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính mảng dịch vụ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) khi đóng góp hơn 41% nguồn thu.
Thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB trong năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019.
Với việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa công bố, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho ngân hàng này gần 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19.
Nhờ việc sở hữu Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life và Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của MBBank liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này. Trong năm 2020, thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong khoản thu từ hoạt động dịch vụ. Trong năm 2020, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mang về khoản thu nhập hơn 2.575 tỷ đồng cho VPB.
Mặc dù con số này giảm 11% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng đây vẫn là khoản thu nhập ngoài lãi đáng mơ ước của nhiều ngân hàng.
Trong năm 2020, lãi thuần hoạt động dịch vụ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) tăng 53,4% so với 2019, đạt 6.608 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VCB đã ghi nhận gần 1.500-1.800 tỷ đồng phí bancassuarance trả trước trong quý IV/2020 từ thỏa thuận độc quyền ký kết với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam đã tạo ra sự tăng trưởng đột biến này.
Cũng nhờ dư địa thị trường còn rất nhiều dựa trên tỷ trọng bancassuarance trên tổng thu nhập phí bảo hiểm và tỷ lệ thâm nhập người dùng mới, các ngân hàng dự kiến tăng trưởng mạnh thu nhập từ phí bancassuarance cho dù gặp nhiều cạnh tranh thị phần.